|
Chuyền sản xuất kẹo tự động của Công ty Vĩnh Tiến. |
Sản xuất kẹo dừa là một trong những nghề truyền thống của Bến Tre. Trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây, kẹo dừa là một trong những mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 15 doanh nghiệp chủ lực, 70 cơ sở chuyên sản xuất, chế biến xuất khẩu kẹo dừa với sản lượng xuất khẩu 15.000 tấn/năm, tiêu thụ nguồn nguyên liệu dừa trên 31,5 triệu trái/năm. Các doanh nghiệp lớn có thương hiệu và thị trường ổn định như kẹo dừa Tuyết Phụng (Mỏ Cày Nam), Vĩnh Tiến, Ngọc Mai, Bến Tre, Yến Hương, Thiên Long, Thanh Long (thành phố Bến Tre).
Tuyết Phụng - từ cái nôi làm kẹo dừa Mỏ Cày Bến Tre
Kẹo dừa Tuyết Phụng ở thị trấn Mỏ Cày bắt đầu sản xuất từ năm 1977. Sau 34 năm hình thành và phát triển, đến nay doanh nghiệp tư nhân kẹo dừa Tuyết Phụng đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng khá vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng phong phú, da dạng, chất lượng khá tốt. Để mở rộng thị trường, doanh nghiệp bắt đầu thử nghiệm phương thức bán hàng online tại TP. Hồ Chí Minh. Các sản phẩm chủ lực của đơn vị gồm kẹo dừa, kẹo chuối, bánh phồng sữa, kẹo mãng cầu, nước màu dừa và các sản phẩm khác, như: chuối sấy, mứt gừng dẻo, rượu dừa… Hiện doanh nghiệp sản xuất mỗi tháng khoảng trên 25 tấn kẹo các loại. Từ năm 2005, Tuyết Phụng đã đăng ký độc quyền thương hiệu Tuyết Phụng và đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã để tiếp thị và mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Vĩnh Tiến áp dụng sản xuất sạch hơn và hiện đại hóa công nghệ sản xuất
Chúng tôi đến cơ sở sản xuất kẹo dừa Vĩnh Tiến, ở phường Phú Khương trong không khí phấn khởi bởi cơ ngơi của Công ty ngày một khang trang, sạch đẹp hơn. Công ty đã mạnh dạn đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ hiện đại, áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO:9001-2008 nên sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt nhu thị trường xuất khẩu. Bà Đặng Thị Trúc Lan Chi - Giám đốc Công ty cho biết, trung bình mỗi tháng, Công ty sản xuất trên 200 tấn thành phẩm xuất khẩu, chủ yếu là kẹo dừa Yến Hoàng, Tiến Đạt và bánh dừa - sản phẩm mới của Công ty. Đặc biệt, kẹo dừa mang nhãn hiệu Yến Hoàng, Tiến Đạt của Công ty có ưu điểm vượt trội hơn và khắc phục được hạn chế của các loại kẹo dừa trên thị trường là người dùng không bị dính răng. Năm 2009, chất lượng của kẹo dừa mang nhãn hiệu Yến Hoàng được khẳng định với bước phát triển mới về công nghệ là kẹo dừa giòn, công nghệ hoàn toàn tự động, khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh sản phẩm chính, Công ty đã nghiên cứu và cho ra đời 1 sản phẩm mới: là bánh dừa Tiến Đạt (được làm từ cơm dừa sấy khô, mang vị béo thơm tự nhiên của dừa, giòn tan và tinh khiết, không sử dụng hóa chất). Sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ, Úc. Hiệu quả từ việc áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn rất lớn, nhiều doanh nghiệp của các tỉnh và doanh nghiệp kẹo dừa trong tỉnh đến tham quan học tập và nhân rộng mô hình. Bí quyết dẫn đến thành công của Công ty là tập trung cho thị trường xuất khẩu, luôn luôn cải tiến, đổi mới để bắt kịp nhu cầu của khách hàng, đáp ứng ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc tế và khẳng định thương hiệu.
Thanh Long khai thác tối đa thị trường nội địa
Doanh nghiệp kẹo dừa Thanh Long (phường Phú Khương) ra đời từ năm 1975, từ một lò kẹo nhỏ với dạng sản xuất gia đình. Với mong muốn thương hiệu kẹo dừa Thanh Long ngày càng đứng vững trên thị trường, anh Nguyễn Minh Tâm - quản lý cơ sở đã tìm đến Buôn Ma Thuột học cách tiếp thị của cà phê Trung Nguyên. Trở về, anh mạnh dạn đầu tư bảng hiệu, quày hàng, sản phẩm, xây dựng chế độ ưu đãi cho 50 đại lý của Thanh Long ở trung tâm thành phố và các huyện, thị trong tỉnh. Tuy bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng cách làm này đã đem lại hiệu quả rất tốt, có đến 40 đại lý mới được thành lập. Từ đó, doanh nghiệp bắt đầu mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận. Nếu như trước đây chỉ vài mặt hàng, nay Thanh Long có gần 50 mặt hàng như kẹo dừa, kẹo chuối, kẹo hạt điều, kẹo trái cây, mứt gừng dẻo, mứt mãng cầu, bánh tráng sữa… Hiện nay, Thanh Long có 3 điểm sản xuất và buôn bán ở phường Phú Khương, phường Phú Tân và gần cầu Rạch Miễu thuộc thị trấn Châu Thành. Và chỉ riêng trên địa bàn trong tỉnh đã có tới 400 điểm bán lẻ. Mỗi tỉnh thành doanh nghiệp đầu tư xây dựng một nhà phân phối khá qui mô. Để chủ động thị trường, tăng đầu ra cho sản phẩm, Thanh Long liên tục thay đổi mùi vị trong kẹo và cho ra đời nhiều loại kẹo dừa mang hương vị đậu phộng, cà phê, ca cao, lá dứa. Đồng thời, trong xu hướng hiện nay, người tiêu dùng giảm ăn chất béo, Thanh Long cũng đã sản xuất sản phẩm kẹo nhân mứt nho, mít. Trung bình mỗi ngày doanh nghiệp sản xuất trên 2 tấn sản phẩm. Anh Tâm cho biết thêm, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là làm cách nào để mẫu mã ngày càng đẹp hơn, ấn tượng hơn đối với khách hàng trong, ngoài nước. Sản phẩm của Thanh Long chủ yếu là tập trung vào thị trường nội địa và đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với thương hiệu Thanh Long với 36 năm danh tiếng, doanh nghiệp đang ngày càng ăn nên, làm ra và đã góp phần rất lớn vào việc giữ vững thương hiệu kẹo dừa của tỉnh nhà.
Mỗi cơ sở đều có chiến lược riêng để tận dụng thế mạnh của mình, từng bước thay đổi công nghệ, mở rộng thị trường và đứng vững ổn định lâu dài. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền đóng gói tự động, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu, xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ làm thủ công hoặc chỉ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ một số công đoạn sản xuất như cắt, gói vẫn còn làm thủ công. Cách làm này gây không ít khó khăn trong xây dựng và đăng ký các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu.
10 tháng qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã sản xuất 8.000 tấn sản phẩm, tiêu thụ khoảng 13,6 triệu trái dừa nguyên liệu, xuất khẩu 3.500 tấn thành phẩm, giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. |