Giúp học sinh nuôi ý chí khởi nghiệp

21/09/2016 - 07:07

Nếu có ý tưởng tốt khi ngồi ghế nhà trường, nhiều khả năng sẽ trở thành doanh nhân thành đạt.

Giáo dục kinh doanh là môn học mới, vừa được đưa vào giảng dạy thí điểm từ năm học 2014-2015 cho học sinh (HS) khối 11 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (mỗi năm thực hiện 1 lớp nghề).

Đến nay, sau 2 năm giảng dạy, HS đã bắt đầu hứng thú và kết quả thi nghề đạt khá tốt. Trên cơ sở đó, thực hiện theo Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, năm học này, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh sẽ tổ chức dạy đại trà môn học trên tại các trường phổ thông trong tỉnh.

Những khó khăn bước đầu

Trong Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” của Tỉnh ủy, ngành giáo dục có nhiệm vụ tuyên truyền, soạn thảo chương trình và tổ chức giáo dục, giảng dạy về kinh doanh nhằm cung cấp cho HS những kiến thức thực tế về cơ hội, thách thức, quy trình, đặc điểm, thái độ và kỹ năng cần thiết đối với người làm kinh doanh. Qua đó, các em có thể tự tạo việc làm và khởi sự kinh doanh mà các em có thể cần đến trong tương lai. Như vậy, chương trình dạy nghề phổ thông về “Tìm hiểu nghề kinh doanh” cho HS khối 11 THPT, giáo dục thường xuyên nhằm thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, từ năm học 2016-2017 trở đi, Giáo dục kinh doanh được xem là môn nghề phổ thông, thực hiện đồng thời với các nghề phổ thông khác đã được triển khai trong nhiều năm qua.

Thầy Lê Thanh Quang - Phó hiệu trưởng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên TP. Bến Tre, người đã trực tiếp giảng dạy môn học Giáo dục kinh doanh trong 2 năm qua chia sẻ: Môn Giáo dục kinh doanh là môn học được triển khai gần đây nên còn rất mới. Phương pháp giảng dạy được vận dụng theo phương pháp của Tổ chức Lao động quốc tế. Đặc điểm của phương pháp này là chú trọng việc lấy HS làm trung tâm, tổ chức các hoạt động, các trò chơi để HS tham gia nhận thức tốt các nội dung bài học. Do là môn học mới, chương trình giảng dạy thuộc dạng mở nên bước đầu có phần gây khó khăn và lúng túng cho cả giáo viên (GV) lẫn HS. GV phải đầu tư nghiên cứu kỹ tài liệu, chuẩn bị mới hoàn toàn nội dung lên lớp. Trong hầu hết tiết học, GV phải đồng hành với lớp để khi thì giảng bài, khi thì tổ chức lớp hoạt động hoặc thực hiện trò chơi, do đó phải theo dõi, hỗ trợ HS để cuối buổi học đánh giá chất lượng các hoạt động, rút ra nội dung cần học qua các trò chơi đã thực hiện.

“Về phía HS, được GV giao quyền tự chủ trong hoạt động tổ, nhóm hoặc chủ động trong các trò chơi, lúc đầu có phần bỡ ngỡ, thiếu tự tin nhưng sau một thời gian học các em quen dần, trở nên tự tin, mạnh dạn hơn. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay, GV và HS đã quen dần, bắt đầu có sự tương đồng. HS tham gia với thái độ hào hứng, vui tươi. Từ đó sẽ tạo được sự thống nhất, gần gũi hơn giữa thầy và trò trong hoạt động dạy - học” - thầy Quang nói.

Chuẩn bị cho khởi nghiệp

Dù mới thực hiện, kinh nghiệm đúc kết chưa nhiều nhưng theo thầy Quang, để tiết dạy nghề kinh doanh có hiệu quả, người dạy phải sử dụng đa dạng các phương pháp để làm cho người học không nhàm chán, tham gia tích cực hơn trong quá trình học tập. Em Minh Đang, học sinh lớp 12/1 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ: “So với những môn nghề khác, môn Giáo dục kinh doanh có những cái hay, kích thích sự tò mò khám phá công việc. Qua môn học, mình sẽ biết được cách bắt đầu và vận hành một doanh nghiệp nhỏ. Thông qua những tình huống, những trò chơi được thực hiện trên lớp, em sẽ biết chọn ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch vận hành một doanh nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. 

Em Phạm Hồng Ngọc lớp 12/1 cũng tâm đắc: “Trước đây, em cứ tưởng làm kinh doanh là lớn lao, phức tạp lắm nhưng với một người có chí, nếu áp dụng tính kinh doanh trong các tình huống của cuộc sống thì sẽ mang lại lợi ích cho cá nhân và xã hội. Bây giờ thì em có thể hình dung được một người làm kinh doanh cần phải có những đức tính nào. Với những kiến thức được học em thử áp dụng vào những tình huống thị trường cụ thể để nuôi ý chí phấn đấu khởi nghiệp sau này”.

Ngoài những phương pháp như đóng vai, thuyết trình, động não, trò chơi kinh doanh… thì người dạy cũng cần cho các em học thông qua thực hành kinh doanh. Với phương pháp này, người dạy sẽ khuyến khích và hỗ trợ HS lập ra các hoạt động kinh doanh nhỏ và rất nhỏ, vận hành từ trong nhà trường. Ý tưởng kinh doanh có khi chỉ đơn giản là bán kẹo trước cổng trường hay rửa xe ở khu dân cư vào cuối tuần hoặc tiếp thị một sản phẩm, dịch vụ nào đó hay gia công sản xuất những mặt hàng quần áo thể thao, thiệp mừng...

Lý tưởng nhất là các ý tưởng kinh doanh sẽ do HS tự đề xuất rồi tổ chức đăng ký hoạt động. Lập ra các tài khoản để lúc kết thúc giai đoạn hạch toán, kiểm toán, HS sẽ tự quyết định chia lãi và lợi ích từ kinh doanh. Đến cuối năm học hay giai đoạn hạch toán, có thể giải thể doanh nghiệp hoặc bán cổ phần và cử ra một nhóm điều hành mới.

Bộ tài liệu tìm hiểu ngành nghề kinh doanh có 9 chủ đề bao gồm: Doanh nghiệp là gì? Tại sao cần có tính kinh doanh? Doanh nhân là ai? Làm thế nào để trở thành doanh nhân thành đạt? Làm thế nào để có được ý tưởng kinh doanh tốt? Tôi tổ chức một doanh nghiệp như thế nào? Tôi vận hành một doanh nghiệp như thế nào? Những bước để trở thành doanh nhân? Tôi tự xây dựng kế hoạch kinh doanh như thế nào?

Theo đó, mỗi chủ đề có mục đích chung của chủ đề và mục đích riêng của từng bài. Mỗi chủ đề có thể được sử dụng một cách độc lập, không đòi hỏi nhiều kiến thức của các chủ đề khác. Đầu đề của các chủ đề được đặt theo dạng câu hỏi, HS sẽ biết được câu trả lời sau khi học xong các chủ đề.

Bài, ảnh: Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN