Góp phần phòng ngừa vi phạm

29/12/2017 - 08:23

Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm được Điều lệ Đảng khóa VIII xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm tra (KT) Đảng, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng.

Từ khi thực hiện nhiệm vụ KT khi có dấu hiệu vi phạm, hiệu quả, tác dụng của công tác KT, giám sát được nâng lên, khẳng định và phát huy chức năng, vị trí, vai trò của ủy ban KT các cấp. KT khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp quan trọng giúp tổ chức đảng, đảng viên kịp thời nhận rõ thiếu sót, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục, không để vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng thành nghiêm trọng, vi phạm của một người thành nhiều người, có tác dụng thiết thực trong việc phòng ngừa vi phạm từ xa hoặc hạn chế vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Mặt khác, qua KT khi có dấu hiệu vi phạm còn giúp cho các tổ chức đảng, tổ chức quản lý nhà nước, nhất là cấp ủy các cấp có căn cứ, cơ sở trong việc bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chính sách mới trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cho phù hợp, sát thực tế, khắc phục bất cập khó thực hiện.

Từ năm 2015 - 2017, UBKT các cấp trong tỉnh đã KT 25 tổ chức, 461 đảng viên. Nội dung KT khi có dấu hiệu vi phạm về chấp hành chủ trương, nghị quyết, chỉ thị; nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống. Kết luận sau kiểm tra, 20 tổ chức có vi phạm, chiếm 80%, đến mức thi hành kỷ luật 1 chi bộ; 436 đảng viên vi phạm, chiếm 94,5%, đến mức thi hành kỷ luật 269 đảng viên, chiếm 58,53%.

Để góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu kéo giảm đảng viên vi phạm kỷ luật 2% theo Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2018 và KT khi có dấu hiệu vi phạm từ 1 - 2% cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy quản lý theo chương trình KT của UBKT Tỉnh ủy, các cấp ủy cần tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thông báo kết luận số 38 của Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng; Chương trình hành động số 21 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KT, giám sát.

Các cấp ủy, cán bộ KT các cấp cần nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của nhiệm vụ KT khi có dấu hiệu vi phạm. Chủ động nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên; xác định nội dung dấu hiệu vi phạm so với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có căn cứ cho thấy tổ chức đảng, đảng viên đó không tuân theo, không làm hoặc làm trái để tiến hành KT kịp thời, có hiệu quả.

 Qua công tác giám sát, qua đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng đã được kiểm chứng hoặc do tổ chức đảng, cá nhân cung cấp, cán bộ KT cần cập nhật, phân tích, đánh giá, phát hiện dấu hiệu vi phạm để kịp thời xử lý, tránh nhìn nhận đơn giản, chủ quan, hình thức. Cố gắng ở mức cao nhất phát hiện vi phạm từ lúc manh nha.

Bên cạnh đó là phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm của đảng viên thông qua thực hiện tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; chất vấn của đảng viên; việc bình xét, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng.

Hồ Tính Kiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN