
Cơ sở sản xuất chậu hoa kiểng của anh Lê Thanh Điền.
Qua lời giới thiệu của Phó bí thư Xã Đoàn Vĩnh Thành Lê Thị Diễm Trinh, Điền là một thanh niên tôn giáo rất giàu nghị lực và có ý chí phấn đấu. Chị Diễm Trinh cho biết, anh Lê Thanh Điền là nguyên Bí thư Chi đoàn ấp Vĩnh Phú, rất năng nổ, nhiệt tình với công tác Đoàn, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình, cuối năm 2015, anh Điền có đơn xin thôi công tác Đoàn. Nhưng mỗi lần Xã Đoàn có chương trình, hoạt động gì thì anh cũng đều tham gia.
Chúng tôi về ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách để thăm cơ sở sản xuất chậu kiểng của anh Lê Thanh Điền. Tiếp chúng tôi là một ông chủ trẻ (Điền sinh năm 1990) trông rất hoạt bát và nhanh nhạy. Cơ sở sản xuất chậu kiểng của anh lúc này có nhân công đang làm việc. Điền kể, trước năm 2010, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, tuy là có đất sản xuất nhưng cha mẹ trồng đủ các loại cây ăn trái, năng suất thấp do thiếu vốn đầu tư, chăm sóc. Trong khi đó, cùng diện tích đất như trên, nếu có vốn đầu tư sản xuất cây giống, hoa kiểng… thì lợi nhuận sẽ rất cao, cho thu nhập ổn định hơn. Rồi đợt hạn mặn năm 2016, toàn bộ diện tích trồng cây ăn trái của gia đình bị thiệt hại nặng nề, gần như chết toàn bộ.
Năm 2014, sau nhiều năm đi làm thuê cho cơ sở, Điền đã học được nghề “quay chậu”. Theo suy nghĩ ban đầu của Điền, xứ mình là “vương quốc” của hoa kiểng thì việc đầu tư vào nghề quay chậu chắc sẽ cho thu nhập ổn định. Thế là cơ sở được mở ra chỉ có hai cha con “làm thợ” chính và vật tư làm chậu phải mua “gối đầu”. Lúc đầu, sản phẩm bán không chạy mấy nhưng Điền không nản lòng, quyết chí theo đuổi cái nghề này. Rồi thông qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè, các anh chị đi mua cây kiểng giới thiệu, dẫn dắt làm quen với khách hàng, sản phẩm chậu kiểng của Điền nhanh chóng được lòng của khách hàng trong và ngoài xã. “Năm 2019-2020, do ảnh hưởng của hạn mặn, hoa kiểng và cây giống bị thiệt hại rất lớn. Sản phẩm chậu kiểng cũng bị ảnh hưởng, số lượng tiêu thụ ít” - anh Lê Thanh Điền cho biết.
Cơ sở sản xuất của Lê Thanh Điền chuyên các loại chậu kiểng và đôn. Hàng tháng cơ sở làm ra khoảng 2.100 chậu và đôn. Chậu có kích thước từ 0,5 - 1,2m với 3 kiểu dáng như đôn chân, trái bần và chậu tròn. Với giá dao động từ 25 - 170 ngàn đồng/chậu. Đến nay, cơ sở của anh Lê Thanh Điền có từ 2 - 5 nhân công lao động thường xuyên. Bình quân một ngày, mỗi nhân công lao động sản xuất từ 10 - 25 chậu và đôn, tùy theo lớn, nhỏ, thu nhập trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
“Trong những tháng cuối năm 2020, nhất là trong giai đoạn đang vào mùa hoa kiểng Tết, sản phẩm chậu và đôn hoa kiểng đang hút hàng trở lại. Riêng về thu nhập, sau khi đã trừ chi phí, hàng tháng anh lãi trên 15 triệu đồng” - anh Lê Thanh Điền phấn khởi cho biết.
Trong lúc chia tay anh Điền ra về, Phó bí thư Xã Đoàn Vĩnh Thành Lê Thị Diễm Trinh thông báo: “Tối nay, Xã Đoàn tổ chức gói bánh tét gửi đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt. Nếu có thời gian, Điền tham gia cùng anh em”. “Dạ, chiều em sẽ ra!” - Điền nhận lời ngay.
Anh Lê Thanh Điền là tấm gương thanh niên tiêu biểu của địa phương, chí thú làm ăn, vượt khó thoát nghèo, đời sống kinh tế ổn định với mô hình sản xuất chậu hoa kiểng. Dù không còn tham gia công tác Đoàn nhưng anh rất nhiệt tình tham gia các phong trào của Đoàn. Mô hình và tấm gương của anh rất đáng được Đoàn Thanh niên xã nhà nhân rộng và biểu dương”.
(Phó bí thư Xã Đoàn Vĩnh Thành Lê Thị Diễm Trinh)
|
Bài, ảnh: Thành Lập