Từ hôm nay, 1/8, Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan chính thức có hiệu lực. Với dân số tăng gần gấp đôi và diện tích tăng hơn gấp ba lần, Thủ đô Hà Nội bước sang trang mới với một tầm vóc mới.
Để phát triển một cách khoa học, bền vững và lâu dài, tạo nền móng vững chắc cho Hà Nội vươn tới tầm cao mới với vị thế là một trong 17 đô thị lớn trên thế giới (về diện tích và trong tương lại là cả về dân số), một trong những việc quan trọng đầu tiên là phải xây dựng được một quy hoạch xứng tầm với một Hà Nội như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã xác định.
Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc-Quy hoạch đô thị và nông thôn, cơ quan thường trực của Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch Thủ đô Hà Nội mới, cho biết hiện nay Bộ đang lựa chọn 12 tư vấn quốc tế thông qua Hội đồng tuyển chọn để chọn ra 3 tư vấn có đủ năng lực nghiên cứu, có ý tưởng hay và đề xuất tài chính hợp lý. Trên cơ sở này, có thể hy vọng sẽ có một quy hoạch tầm cỡ để định hướng phát triển Hà Nội với tầm nhìn dài hạn.
Theo định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 của Chính phủ, mục tiêu hàng đầu là xây dựng Hà Nội thành tổng thể đa trung tâm, gồm đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh.
Ông Ngô Trung Hải cho biết đối với đô thị hạt nhân, Hà Nội hiện hữu - tạm gọi là đô thị truyền thống, chủ yếu sẽ duy trì không gian bảo tồn có tính lịch sử - văn hóa và là trung tâm chính trị. Đặc biệt khu trung tâm cũ phải là trung tâm thương mại, tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các khu dân cư hiện nay phải tính đến xây dựng các mô hình khu ở khác nhau nhằm dãn dân ra bằng các cơ chế chính sách, chương trình nhà ở xã hội để người dân có thể chuyển dần ra vùng xung quanh với điều kiện sống tốt hơn.
Theo ông Ngô Trung Hải, một trong những ý tưởng mà những người thực hiện nghiên cứu quy hoạch Thủ đô Hà Nội đưa ra để thực hiện điều này là các khu đô thị vệ tinh không chỉ là khu ở mà còn kèm theo hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt như các trung tâm dịch vụ đô thị, trường học, bệnh viện, cơ sở công nghiệp phù hợp để người dân sinh sống và làm việc.
Ông Hải cũng cho biết, vùng mở rộng có xu hướng không để Hà Nội cũ lan tỏa mà đưa không gian cảnh quan cây xanh từ phía Ba Vì lồng ghép qua hành lang thoát lũ sông Đáy lan tỏa vào không gian Hà Nội cũ. Đặc biệt diện tích cây xanh của Hà Nội được nâng lên 30m2/người, đứng hàng đầu thế giới.
Trong định hướng, phía đông-nam-bắc Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp; phía tây hình thành không gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và những đô thị mang tính khoa học, đào tạo. Nhiều đô thị vệ tinh đô thị có chức năng riêng biệt có thể được thiết lập để đáp ứng một tổng thể đa trung tâm.
Các khu công nghiệp lớn cũng được phân định rõ ràng. Vùng công nghiệp có hàm lượng chất xám cao sẽ được bố trí ở phía bắc, công nghiệp công nghệ cao đặt ở Hòa Lạc còn công nghiệp sản xuất lớn đặt ở phía nam.
Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội không phải chỉ là sự thay đổi về lượng mang tính cơ học đơn thuần mà là một sự thay đổi về chất, trước tiên là về tư duy và bản lĩnh của các nhà lãnh đạo.
Theo kế