Hai điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác

24/08/2011 - 08:16

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Tuổi trẻ Bến Tre học tập và làm theo lời Bác” đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong các đoàn viên, thanh niên, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Trong số 100 cá nhân, tập thể được tôn vinh, Báo Đồng khởi xin giới thiệu hai tấm gương.

Nguyễn Văn Cao -  anh Bí thư “bày”

Bí thư Xã Đoàn Phú Hưng Nguyễn Văn Cao.

 

Năm 2003, tốt nghiệp THPT xong, vì hoàn cảnh gia đình không có điều kiện học tiếp, bạn Nguyễn Văn Cao chọn cho mình con đường “lập nghiệp” là tham gia công tác Đoàn. Nghe thì có vẻ lạ nhưng theo Cao lý giải “Mình xem hoạt động Đoàn cũng là một nghề mà lại là nghề có ích cho xã hội”. Thế là từ một đoàn viên thanh niên, Cao đã trải qua nhiều “vị trí” khác nhau, nào là Bí thư Chi đoàn ấp Phú Hào, Phó Bí thư Xã Đoàn, rồi Bí thư Xã Đoàn. Ở nhiệm vụ nào, Văn Cao cũng đều hoàn thành xuất sắc. Năm 2008, khi là Bí thư Chi Đoàn ấp Phú Hào, Văn Cao đã mạnh dạn đăng ký thực hiện xây dựng chi đoàn kiểu mẫu cấp thành phố, cấp tỉnh. Đây được xem là một thử thách lớn không chỉ cho chi đoàn mà cho cả xã đoàn. Vì có tới 10 tiêu chí phải đạt được trong khi xuất phát điểm của Phú Hào không lấy gì khả quan: địa bàn rộng, dân số đông, đa số thanh niên sống bằng nghề nông hoặc đi làm cho các xí nghiệp khó có thể tiếp cận, tập hợp lại… Tuy nhiên, bằng ý chí quyết tâm, nhiệt huyết thanh niên cùng sự ủng hộ của Đảng ủy, UBND xã, Cao và các bạn đoàn viên đã thành công khi Chi Đoàn ấp Phú Hào được công nhận là chi đoàn kiểu mẫu đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại của tỉnh.

Hỏi về bí quyết của mình, Cao cười giản dị đáp rằng, quan trọng là người cán bộ Đoàn phải biết làm thế nào để thu hút, hấp dẫn anh chị em thanh niên tự nguyện đến với Đoàn. Muốn làm được, người “đầu tàu” - bí thư phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các bạn, sáng tạo ra nhiều hình thức vui chơi, sinh hoạt khác nhau, gắn vui chơi với học nghề, giới thiệu việc làm… Hầu như tuần nào, tháng nào Xã Đoàn Phú Hưng cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích cho đoàn viên tham gia như giao lưu văn nghệ, đá bóng, khiêu vũ, thực hiện công trình thanh niên, hiến máu nhân đạo… Chính vì vậy, Văn Cao được bạn bè đoàn viên đặt cho một biệt danh rất dễ thương và thú vị là “bí thư bày” -  bày hết trò này đến trò nọ. Trong công tác xã hội, Cao cũng nhiệt tình không kém. Cao đã bảy lần tham gia hiến máu nhân đạo. Chính Cao là người nghĩ ra việc tập hợp các bạn vào câu lạc bộ Vì an sinh xã hội của Xã Đoàn, cùng nhau chung tay tham gia các hoạt động từ thiện: vận động tập vở quần áo cho học sinh nghèo, tặng quà cho gia đình nghèo, chăm sóc người bệnh…

 

Đặng Thị Hoa - Đóa hoa hướng dương mạnh mẽ

Bí thư Chi Đoàn ấp Đông Lợi Đặng Thị Hoa.

 

Trước mắt chúng tôi là hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn có mái tóc dài thẳng mượt và đôi mắt sâu buồn đầy tình cảm mà ai đã gặp một lần ắt đều nhớ hoài ánh mắt ấy. Dõi mắt nhìn xa xăm, Hoa kể về mình. So với các bạn cùng lứa thì Hoa phải gánh chịu nhiều thiệt thòi hơn. Năm 1987, khi mới 12 tuổi, sau một trận bạo bệnh, nhà nghèo không có tiền chạy chữa đến nơi đến chốn, cô bé Hoa đã bị vẹo cột sống dẫn đến gù lưng. Ước mơ học tập của Hoa cũng đành gác lại ở năm lớp 9. Mặc cảm khiếm khuyết của mình, Hoa cứ ru rú ở nhà, không chịu giao thiệp với ai. Tình cờ, năm 2001, một hôm đang ngồi trước sân nhà thấy đông đảo các bạn trong xóm đi đâu mà vui quá, Hoa hỏi thì mới hay là các bạn đi sinh hoạt đoàn. Nhờ một người bạn chở mình đi theo cùng, lần đầu tiên Hoa được gặp gỡ nhiều người, được chơi nhiều trò chơi, ca hát thỏa thích. Rồi được sự động viên, nhiệt tình giúp đỡ của các bạn, Hoa trở thành đoàn viên. Cũng như thế, Hoa đã là Bí thư Chi Đoàn ấp Đông Lợi, xã Thành An (Mỏ Cày Bắc) 10 năm nay. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, Hoa đến “từng xóm, gõ từng nhà” các bạn thanh niên để tuyên truyền, vận động tham gia công tác Đoàn. Mới đầu chưa biết chạy xe đạp, đi sinh hoạt Đoàn, Hoa toàn phải đi bộ. Nghĩ công tác đòi hỏi người cán bộ phải chủ động, Hoa quyết tâm phải biết chạy xe đạp. Từ những cú ngã, rớt mương, giờ Hoa đã có thể đạp băng băng trên con đường làng. Do từ nhỏ ít tiếp xúc, giao thiệp với mọi người nên lần đầu đứng trên sân khấu dẫn chương trình cho một đêm văn nghệ ở ấp Hoa cứ run cầm cập, phải có người trong cánh gà nhắc tuồng liên tục. Để khắc phục nhược điểm, về nhà, hàng đêm, đứng trước gương, Hoa đều luyện nói, cách diễn đạt khi đứng trước đám đông.

 Về khiếm khuyết của mình, Hoa tâm sự: “Trước đây, tôi mặc cảm lắm, cứ nghĩ mình như thế thì ai thèm chơi. Nhưng sau lần những lần sinh hoạt Đoàn, tôi nhận ra trong mắt các bạn không hề có sự kỳ thị, phân biệt. Có chăng chỉ là do tôi tự nghĩ, tự cô lập mình. Tôi dần tự tin ở bản thân, có được điều đó cũng là nhờ tổ chức Đoàn Thanh niên mang lại”. Ngoài công việc là một bí thư chi đoàn, bản thân Hoa còn là một cộng tác viên dân số của xã phụ trách địa bàn ấp. Xác định được vai trò, trách nhiệm, Hoa luôn nỗ lực, sắp xếp thời gian một cách hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ. Trong nhiều năm liền địa bàn phụ trách không xảy ra trường hợp sinh con thứ 3. Hoa nói rằng, mình thích nhất là hoa hướng dương vì dù ánh mặt trời có chói chang bao nhiêu thì loài hoa ấy vẫn dũng cảm ngẩng cao đầu hướng về đó. Đúng như Hoa nghĩ, bạn bè, các đoàn viên, thanh niên luôn yêu thương và quý trọng bạn Đặng Thị Hoa - đóa hoa hướng dương mạnh mẽ.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN