 |
Học sinh tham gia thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi. |
Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tập trung nhiều giải pháp nhằm định hướng giúp học sinh chọn nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Bến Tre và Phòng GD&ĐT huyện Thạnh Phú là hai đơn vị có nhiều dấu ấn trên lĩnh vực này.
Thạnh Phú - phân luồng là nhiệm vụ trọng tâm
Theo ông Nguyễn Văn Ngon - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh luôn được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp. Nếu như những năm trước, công tác tư vấn được thực hiện 1 đợt vào thời điểm trước kỳ thi tuyển vào lớp 10 thì nay ngành tiến hành 2 đợt trước và sau khi có điểm tuyển. Căn cứ vào điểm thi cùng với nguyện vọng của học sinh khi đã có kết quả trúng tuyển, việc tư vấn có kết quả và học sinh chọn được hướng đi phù hợp. Ông Ngon nhấn mạnh: Điều quan trọng của tư vấn là làm thay đổi nhận thức của phụ huynh về công tác hướng nghiệp, phân luồng; giúp phụ huynh thấy được việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực học sinh, hoàn cảnh kinh tế gia đình, đáp ứng được nhu cầu của xã hội là khâu quan trọng nhất. Bởi học ngành nghề nào, làm việc ở vị trí nào chỉ cần học tốt, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, có việc làm ổn định, có thể tự lo cho bản thân đã là cơ bản. Hàng năm, Phòng GD&ĐT kết hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường THCS, Trưởng ban chỉ đạo các xã đến tham quan các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh để thấy điều kiện sinh hoạt, ăn ở, việc dạy và học để họ yên tâm hơn khi cho con học tập các trường nghề trên địa bàn tỉnh.
Em Nguyễn Văn Nhật Tâm ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, học viên năm thứ 2, lớp Điện dân dụng chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, học xa sẽ không có chi phí. Thời gian 3 năm THPT cộng với những năm học sau rất dài, em lo lắng khi ra trường không tìm được việc làm lại phải bôn ba. Em theo học lớp Điện dân dụng, địa phương đang cần. Mặt khác, sau thời gian 3 năm, em có nghề và bằng tốt nghiệp THPT tiện lợi hơn nhiều”.
Thầy Trần Văn Hùng - cán bộ phụ trách công tác phổ cập ở Phòng GD&ĐT huyện Thạnh Phú cho biết: Ngoài những lớp học theo hệ giáo dục thường xuyên, năm 2013, huyện vận động và tổ chức thành công 1 lớp với 30 học sinh vừa học văn hóa, vừa học trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy Điện công nghiệp và dân dụng. Năm 2014, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Bến Tre mở 1 lớp với 20 học sinh hệ vừa học văn hóa vừa học trung cấp chuyên nghiệp, chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản. Huyện giao Trung tâm cùng với Trường Cao đẳng Bến Tre tìm việc làm cho học viên sau khi ra trường. Đây cũng là giải pháp nhằm tạo niềm tin cho học viên lẫn phụ huynh. Nếu việc này thực hiện thành công thì những năm sau không cần tư vấn, học viên cũng tự động chọn cho mình hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Bến Tre - tập trung duy trì sĩ số
Ông Phạm Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Bến Tre cho biết: Năm học 2014-2015, Trung tâm mở 1 lớp Kỹ thuật điện công nghiệp dân dụng, với số lượng 28 học sinh (cuối năm học còn 26 học sinh). Để làm tốt công tác tư vấn, phân luồng, Trung tâm có kế hoạch chi tiết và triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Mỗi giáo viên giảng dạy cố gắng giúp học sinh định hướng việc chọn nghề đúng đắn. Ban Giám đốc Trung tâm khi xây dựng kế hoạch cũng đã xác định cụ thể nghề đào tạo cho học sinh, nhằm đảm bảo khi ra trường có việc làm ổn định.
Trong quá trình thực hiện, Trung tâm thành lập Ban phụ trách công tác dạy nghề và chọn người có tâm huyết, nhiệt tình với việc định hướng phân luồng học sinh sau THCS. Điểm quan trọng nhất là tổ chức tư vấn tuyên truyền. Ngay từ những ngày đầu tháng 7-2015, Trung tâm xây dựng hệ thống đơn xin thi tuyển vào lớp 10, trong đó có mục tuyển sinh nghề. Ngoài học văn hóa, học sinh có thể tự chọn nghề nghiệp qua hệ trung cấp chuyên nghiệp. Kèm theo đơn xin thi tuyển, có thư ngỏ nói rõ mục đích của việc tuyển sinh vào lớp 10.
Khi học sinh vào Trung tâm, nhà trường tập trung phụ huynh học sinh khối 10 phổ biến rõ mục đích, ý nghĩa của việc tuyển sinh nghề. Giáo viên chủ nhiệm tập trung giải đáp thắc mắc cho phụ huynh về thời gian học, triển vọng cơ hội việc làm sau khi ra trường. Ông Phạm Xuân Bình nói: “Chúng ta đã thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường nhưng lại phải làm việc tại các khu công nghiệp. Vậy tại sao chúng ta không học một nghề mà khi ra trường sẽ đỡ chi phí, ít thời gian nhưng có được việc làm nuôi sống bản thân hay phụ giúp gia đình?”. Trung tâm phối hợp với các trường thực hiện hướng nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng. Bộ phận tuyển sinh các trường nghề báo cáo rõ thời gian học, học phí, lịch học mỗi tuần cho học sinh nắm. Khi thành lập lớp, để duy trì sĩ số, giáo viên chủ nhiệm lại phải làm công tác tuyên truyền, nếu cần phải vận động học phí hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm giữ học sinh. Trong quá trình giảng dạy, Trung tâm dành nhiều ưu tiên như: ưu tiên về giáo viên chủ nhiệm, giờ dạy, kể cả ưu tiên về tổ chức các môn học phù hợp và các hoạt động ngoại khóa. Đối với lớp học này, Trung tâm chú trọng nhiều về thực hành, động viên để học sinh cố gắng hoàn thành lớp học, tìm được việc làm sau khi ra trường.