Hai ngoại trưởng Mỹ - Nga đối đầu tại LHQ

28/09/2007 - 09:00

Cuộc họp không chính thức các ngoại trưởng G8 tại NewYork. Ảnh: NR

Ngoại trưởng Mỹ C. Rice kiên quyết yêu cầu phải thông qua ngay lập tức nghị quyết quốc tế trừng phạt Iran, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản đối, khẳng định Iran đã đạt được các thỏa thuận nhất định với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), và cho rằng Mỹ lại muốn "qua mặt" IAEA như trước.

Trong khuôn khổ cuộc gặp không chính thức đại diện các nước trong khối G8 tại New York, bên lề khóa họp 62 của Đại hội đồng LHQ, giữa Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26-9, Mỹ - Nga đã có cuộc thảo luận gay gắt về vấn đề siết chặt trừng phạt chống Iran.

Tuyên bố sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov cho biết: "Chúng tôi muốn căn cứ vào đánh giá của IAEA". Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị Nicholas Bern nhận định sự khác biệt quan điểm giữa hai ngoại trưởng Mỹ - Nga là "sự thiếu đồng thuận rõ ràng về chiến thuật".

Reuters nhận định giọng điệu cuộc đàm luận giữa hai ngoại trưởng là "khá thô bạo". Ngày trước đó, phát biểu tại diễn đàn LHQ, Tổng thống Iran Ahmedinejad khẳng định vấn đề "hồ sơ hạt nhân Iran đã khép lại" vì "IAEA đã quay lại giải quyết vấn đề với tư cách một cơ quan uy tín, khác với động cơ chính trị trước đó", cho nên "vấn đề đã trở lại khuôn khổ IAEA". Tổng thống Ahmedinejad tuyên bố: "Vấn đề đã khép lại".

Mỹ là một trong những quốc gia tích cực kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất chống Iran, kể cả các biện pháp sử dụng vũ lực. Cái cớ để Mỹ đưa ra những tuyên bố này là việc Iran từ chối đình chỉ chương trình hạt nhân của mình. Ngày 12-9, các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ cho biết chính quyền George Bush đang thảo luận kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào Iran. Nguyên nhân của hành động này là việc trước đó Đức đã bác bỏ bất cứ biện pháp nào của Hội đồng bảo an LHQ chống Tehran.

Ngay sau đó, ngày 17-9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner tuyên bố cộng đồng quốc tế "cần phải sẵn sàng cho cuộc chiến với Iran". Phát biểu này của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Pháp đã gây ra những phản ứng sâu rộng tại Pháp và là nguyên nhân của những tranh cãi giữa các nước xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Pháp, Mỹ và Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã phải lên tiếng làm dịu đi cuộc xung đột. Nga từ lâu nay vẫn kêu gọi dựa vào các quyết định của IAEA và tránh dùng vũ lực giải quyết vấn đề.

Theo Tuoitre Online

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN