|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Kiệt phát biểu ý kiến |
Ngày 13/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức và Dự án Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.
Hầu hết các ý kiến của đại biểu đều nhất trí với nội dung cũng như sự cần thiết việc xây dựng và ban hành Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức, tuy nhiên các đại biểu cho rằng việc xây dựng các quy định của dự luật phải nhằm hạn chế tới mức thấp nhất sự lạm dụng của người thừa hành công vụ trong việc trưng mua, trưng dụng tài sản, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu tài sản, đảm bảo lợi ích của người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng.
Đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) đề nghị ban soạn thảo làm rõ những điểm khác nhau giữa các cấp độ cần thiết, khẩn cấp khi thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức cũng như nội dung cụ thể của từng trường hợp đó.
Để bảo đảm quyền của người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng, đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Nguyễn Hồng Diện (Hậu Giang) đề nghị, trường hợp khi ra quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, không kịp xác nhận bằng văn bản thì chậm nhất sau 48 giờ, cơ quan của người đã ra quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng tài sản và gửi cho người có tài sản trưng dụng 1 bản. Trong văn bản phải ghi rõ tên, chức vụ, địa chỉ công tác của người có thẩm quyền trưng dụng tài sản, cũng như thời gian địa điểm trả tài sản Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản phải xuất trình thẻ công vụ theo quy định của pháp luật để tránh tình trạng lợi dụng trong việc trưng dụng tài sản.
* Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.
Phần lớn các ý kiến của đại biểu tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Đại biểu Phạm Phương Thảo (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: "Việc ban hành Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước là rất cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay, luật này ra đời sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa tham nhũng, chống lãng phí và sử dụng tài sản công không đúng mục đích".
Song, có một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, như ý kiến của Đại biểu Trần Thị Hoa (Lạng Sơn), đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau). Đại biểu Đặng Như Lợi cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật là quá rộng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét về vấn đề này để có quy định chặt chẽ hơn, tránh tình trạng chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành khác đã được ban hành.