Hân hoan ngày họp mặt đồng hương

10/02/2009 - 14:11
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be (thứ nhì, từ trái sang) với đồng hương Bến Tre tại TP.HCM. Ảnh: PĐ

HỘI ĐỒNG HƯƠNG BẾN TRE TẠI TP.HCM

Niềm hoan hỉ chảy tràn trên từng gương mặt, tay trong tay chào chú, chào cô… và tiếng xuýt xoa thắm thiết “đồng hương ơi, đồng hương!”. Dẫu năm nào cũng thế, đồng hương Bến Tre tại TP HCM luôn có cuộc gặp gỡ đầu năm nhưng cảm xúc luyến lưu, hân hoan như vẫn cứ nhân lên từng ngày. Năm nay, đồng hương Bến Tre vẫn gặp nhau tại hội trường UBND quận 5 - địa điểm trung tâm đối với phần lớn bà con Bến Tre, đồng thời cũng là nơi có đứa con Bến Tre làm Phó Chủ tịch UBND quận…

Bà con đến đông hơn mọi năm, thời gian hàn huyên trước cuộc họp cũng kéo dài hơn nên cuộc họp mặt càng thêm da diết. Niềm vui chẳng dứt chính là câu chuyện về cầu Rạch Miễu, về Bến Tre chẳng còn là ốc đảo và Đảng bộ và nhân dân nơi đây phải làm gì để Bến Tre cất cánh. Nghệ sĩ Hồ Kiểng (quê Phước Long, Giồng Trôm) dù đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn rất thường về Bến Tre. “Về để có cảm xúc, để nuôi dưỡng tình yêu thương và qua những chuyến về quê đó, tôi đã viết bài vọng cổ “Rạch Miễu cầu thơ nối nhịp”. Câu chuyện tình yêu đôi trai gái Bến Tre - Tiền Giang kết thúc bằng đám rước dâu qua cầu Rạch Miễu, tôi muốn gửi gắm rằng Bến Tre đã thăng hoa, đã đến bến bờ hạnh phúc”.

Mỗi người có cách thể hiện tình yêu của mình. Với Trung tá Lê Tấn Bửu – Phó Giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy TP HCM (quê Chợ Lách) thể hiện tình yêu quê hương bằng trách nhiệm trong công việc. Ông nói: “Tôi tham gia Hội Đồng hương với tư cách là người con của quê hương Đồng Khởi, là Trưởng Ban liên lạc đồng hương huyện Chợ Lách nên luôn cố gắng hết sức mình. Tôi cố gắng làm tốt vai trò cầu nối giữa anh em quê Chợ Lách lập nghiệp ở đây, đồng thời vận động anh em cùng làm điều gì đó giúp ích cho quê mình”. Dù người Chợ Lách ở TP HCM không nhiều hơn các huyện khác nhưng năm qua đồng hương Chợ Lách đã vận động xây dựng cho bà con Chợ Lách 3 nhà tình nghĩa, 55 nhà tình thương. Tổ chức vận động nhiều y, bác sĩ trong và ngoài nước về khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 5 ngàn lượt người. Trung tá Lê Tấn Bửu cho biết ông luôn đặc biệt tạo điều kiện hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy cho tỉnh qua các đợt huấn luyện, hội thao khu vực, toàn quốc. Trong niềm vui chung của sự kiện cầu Rạch Miễu đã thông, Trung tá Lê Tấn Bửu nói: “Do tính đặc thù của Bến Tre là đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư với các loại hình doanh nghiệp, thì yếu tố đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy là điều bắt buộc. Xử lý đúng pháp luật nhưng phải tạo hành lang pháp lý tốt hơn, trong đó chú ý công tác cải cách hành chính trong cấp phép thuộc lĩnh vực quản lý. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của TP.HCM về thời gian cấp phép về an toàn phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp chỉ còn phân nửa so với qui định. Có như vậy mới theo kịp đà phát triển chung, tạo ấn tượng tốt với nhà đầu tư”.       

           

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây (thứ nhì, từ phải sang) tại cuộc họp mặt đồng hương TP.HCM. Ảnh: P. Đông

Từ TP.HCM chạy một mạch là tới Bến Tre, không phải chờ đợi phà giang là cảm xúc rất lạ mà tất cả những người tôi gặp gỡ tại buổi họp mặt đều chưa nguôi. “Thành phố về tới Thạnh Phú thường phải mất 5 tiếng, bây giờ chỉ khoảng gần 3 tiếng bằng ôtô, tôi thấy thật sung sướng” – Giám đốc trẻ của Công ty tư vấn Lê Tư không giấu được niềm vui. Nhưng niềm vui không còn cách trở thôi chưa đủ, những doanh nhân Bến Tre xa quê khát khao một Bến Tre phải thật sự cất cánh sau cầu Rạch Miễu. Ông Huỳnh Bửu Hiệp - Giám đốc Công ty Cổ phần Măng Đen (quê Thị xã) trăn trở việc làm thế nào để phát triển du lịch Bến Tre. “Là người kinh doanh về du lịch, tôi thấy tiềm năng du lịch Bến Tre là rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Đầu tư tốt cho du lịch chính là giải pháp kích cầu hiệu quả để nông dân xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm của mình. Bến Tre là một đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ, tại sao không? Thuận lợi của Bến Tre bây giờ là rất gần TPHCM, ưu thế thiên nhiên trong lành, rất tốt cho du lịch sinh thái nên luôn là điểm chọn lý tưởng cho kỳ nghỉ cuối tuần của người thành phố”. Cùng quan điểm với ông Hiệp, ông Phan Tiến Thành (quê Mỏ Cày) – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Sao Phương Nam: “Tôi thường xuyên dẫn tua về Bến Tre nhưng lại thông qua du lịch Tiền Giang là điều rất buồn. Tỉnh cần có qui hoạch khu, tiểu khu du lịch để có sản phẩm du lịch ổn định. Hiện tại du lịch ở Bến Tre chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ nên giá cả không ổn định, khó thu hút khách quay lại. Mặt khác, nếu làm du lịch với khách nước ngoài thường đặt chỗ trước sáu tháng hoặc một năm. Do không ổn định, nên có khi đến ngày đưa khách tới thì sản phẩm du lịch không còn đúng những gì kế hoạch trước đó”.

Đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại, người Bến Tre xa quê luôn rất đồng tâm, hiệp lực. “Công ty chúng tôi đã tặng Bến Tre 500 xe lăn, xây dựng một trường dạy nghề ở Bình Đại, 2 phòng máy vi tính, 300 suất học bổng hàng năm… Năm nay, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Bến Tre nhiều trang thiết bị phục vụ y tế và giáo dục. Bến Tre là quê hương mà” – ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (quê Mỏ Cày) cho biết như vậy. Và đâu chỉ có ông Sơn, tất cả những người Bến Tre xa quê hôm nay đều hướng về nguồn cội. Bác sĩ Tạ Thị Chung – nguyên Giám đốc bệnh viện phụ sản Từ Dũ, dù tuổi đã cao nhưng vẫn rất tích cực vận động y, bác sĩ về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con quê mình. Bà Ngọc Mai tích cực vận động xây dựng rất nhiều cầu trên quê hương Mỏ Cày với gần chục tỉ đồng… “70 nhà tình nghĩa, 238 nhà tình thương, 39 cầu, 598 suất học bổng, 497 xe đạp, xây 3 trường học, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí… với tổng trị giá trên 17 tỷ đồng” là tấm lòng của người Bến Tre trên đất thành phố mang tên Bác hướng về quê hương.

Ngày họp mặt đồng hương, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây, lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh, lãnh đạo các huyện thị đều có mặt như thêm một lần nữa tri ân tấm lòng của bà con xa xứ. Thông tin với bà con về tình hình trong năm qua, mục tiêu và định hướng phát triển trong năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây phát biểu: “Lãnh đạo và nhân dân Bến Tre thiết tha kêu gọi sự gắn bó với quê hương nhiều hơn nữa để cùng bà con xa quê chia sẻ, giúp đỡ địa phương thoát nghèo và phát triển nhanh hơn. Ngoài vấn đề phát triển kinh tế, chúng tôi nghĩ muốn Bến Tre thoát nghèo phải tiếp tục đầu tư cho con người, cho thế hệ trẻ bằng cách khuyến học, khuyến tài. Nhân đây, tôi kêu gọi bà con xa quê giúp Bến Tre thực hiện khuyến học, khuyến tài một cách có hiệu quả. Đồng thời, rất hân hoan chào đón những người con xa quê trở về đầu tư, giới thiệu đầu tư sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh và làm giàu trên quê hương”.

Cuộc họp mặt khép lại bằng lời ca, tiếng hát của chính những người con xa xứ. Lưu luyến hẹn ngày gặp lại trong niềm tin tươi đẹp của ngày mai…

HỘI ĐỒNG HƯƠNG BẾN TRE TẠI VĨNH LONG

Đi vào hoạt động hơn 4 năm, 5 lần họp mặt. Tôi may mắn, hai lần tháp tùng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự. Và từ “đồng hương” đã thật sự để lại trong tôi một tình cảm thật thân thương. Hơn 5 giờ sáng, tiết trời se lạnh của những ngày xuân vẫn còn phảng phất và đoàn đã khởi hành. Đến nơi, những hạt sương vẫn còn đọng lại nguyên vẹn trên cành cây, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị và những người con quê hương Bến Tre đang sinh sống, làm việc tại Vĩnh Long có mặt đông đủ. Hội trường  Trung tâm bồi dưỡng chính trị thị xã Vĩnh Long, ngày cuối tuần rộn rã tiếng cười. Mọi người tay nắm lấy tay, rồi ôm siết chặt vào nhau, tình cảm dâng trào.

Lần này chủ đề xuyên suốt mà những người con quê hương Bến Tre tại Vĩnh Long đề cập đến là cầu Rạch Miễu đưa vào hoạt động. Mọi người cho rằng, đây là cây cầu từ ước mơ trở thành hiện thực, hứa hẹn góp phần đưa Bến Tre phát triển lên tầm cao mới, sánh vai cùng các tỉnh nằm trong khu vực. Ông Trần Văn Long - Chủ tịch Hội Đồng hương Bến Tre tại Vĩnh Long nhấn mạnh: Cuộc họp mặt hàng năm, trong khoảng thời gian ngắn ngũi nhưng là nguồn động viên lớn đối với những người con xa quê hương. Tất cả mong muốn được nghe nhiều thông tin từ lãnh đạo tỉnh về sự phát triển kinh tế, xã hội của quê hương, đặc biệt mảnh đất  truyền thống hiếu học và Đồng Khởi đang tiến dần lên  thành phố.

Không để bà con xa quê đợi chờ, ông Nguyễn Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu những khó khăn, thách thức và nỗ lực của lãnh đạo, nhân dân tỉnh nhà cũng như sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2008. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại tăng. Nhiều dự án thu hút đầu tư triển khai đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp. Tỉnh luôn quan tâm thông qua cơ chế, chính sách, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển. Nhiều công trình trọng điểm triển khai để hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng. Thêm tin vui đối với tỉnh là đoàn Nhật Bản đã đến khảo sát cầu Cổ Chiên và đưa  ra đánh giá ban đầu rất  khả thi, Bộ Kế hoạch đưa vào nhóm dự án ưu tiên. Có khả năng triển khai các bước tiếp theo vào năm 2010, 2011. Tiến độ thi công cầu Hàm Luông đảm bảo, khả năng khánh thành vào cuối năm 2009. Tương tự, các cầu nằm trên tuyến quốc lộ 57, đường tỉnh 885, 887 đã được phê duyệt thi công và kiên cố hóa trường lớp triển khai giai đoạn 2.

            

Bà con đồng hương tại Vĩnh Long đọc báo Đồng Khởi. Ảnh: T. Long

Cũng theo ông Hiếu, gần đây nhất, tỉnh đã tổ chức thành công đêm văn nghệ tri ân tấm lòng nhân ái, Lễ hội Dừa-tôn vinh người trồng dừa và khánh thành cầu Rạch Miễu-nối đôi bờ sông Tiền. Tết Kỷ Sửu 2009, Chính phủ hỗ trợ 30 tỷ đồng giúp 160.000 nhân khẩu đón mùa xuân thêm tươm tất. Trong năm 2009, tỉnh dành khoảng kinh phí 40 tỷ đồng tham gia đối ứng  chương trình xoá 10.000 căn nhà cho hộ nghèo. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển trên các lĩnh vực, tăng cường kêu gọi đầu tư, trong đó rất cần sự chung sức của những người con quê hương đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh để khai thác hiệu quả tiềm năng của tỉnh.

Lãnh đạo thị xã Bến Tre và thị xã Vĩnh Long cũng đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến xây dựng các tiêu chí của thành phố. Ở thị xã Vĩnh Long, Hội đồng thẩm định Trung ương chấm 100 điểm, đang trình Chính phủ ra quyết định và sẽ công bố lên thành phố vào dịp 30-4. Còn thị xã Bến Tre đi sau một bước nhưng hiện xây dựng cơ bản hoàn thành các tiêu chí thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh để Bộ Nội vụ đến khảo sát.

Những người con quê hương đã đáp lại sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nhà bằng những câu thơ, bài hát ca ngợi chiếc cầu nối đôi bờ vui, khởi sắc quê hương ba dải cù lao. Và kết thúc họp mặt, Chủ tịch Hội Đồng hương Trần Văn Long tuyên bố sẽ tổ chức chuyến về nguồn để tận mắt chứng kiến những đổi thay trên đất Bến Tre và thấy trách nhiệm của từng người để chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

HỘI ĐỒNG HƯƠNG BẾN TRE TẠI CẦN THƠ

Ngày họp mặt đã đến trong niềm hân hoan của những người con Bến Tre đang sinh sống tại Cần Thơ. Hôm ấy- ngày 7- 2- 2009, bầu trời Cần Thơ như trong xanh hơn, nắng Ninh Kiều lấp lánh hòa vào không khí vui tươi ngày gặp gỡ, và hai tiếng “đồng hương” lại được nhắc đến như một điều thân thương của những người con xa xứ.

Hơn 400 gia đình và khoảng 2 ngàn người là con, dâu, rể của quê hương đất Bến hiện đang công tác, học tập, sinh sống tại Cần Thơ, dù không thể nói hết thành lời nhưng sâu tận trái tim, “bóng dừa” quê hương sao mà quên được. Nỗi nhớ niềm thương từ trái tim đã biến thành hành động bằng những tấm lòng đã và đang hướng về xứ sở. “Tôi nữa, cho tôi đóng góp với!” Hằng trăm cánh tay chen chúc nhau tình nguyện đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo của tỉnh nhà càng làm buổi họp mặt thêm đong đầy tình cảm, thêm nặng nghĩa quê hương.

Hội trường nhà nghỉ Đoàn 30 không còn chỗ trống, ai cũng rạng rỡ như mùa xuân đang tới dù rằng những ngày Tết dân tộc đã đi qua từ mấy hôm rồi. Nghe lãnh đạo tỉnh nói về tình hình kinh tế- xã hội năm qua của quê mình với nhiều đổi mới, cầu Rạch Miễu đã được đưa vào sử dụng, phá thế cô lập của Bến Tre, cầu Hàm Luông chuẩn bị hoàn thành…những tràng pháo tay giòn giã liên tục vang lên, hằng trăm nụ cười đồng loạt nở thật tươi mang đầy hạnh phúc. Thượng tá bác sĩ Nguyễn Chiêu (74 tuổi), người đã từng công tác tại Bệnh viện 121 Quân khu 9 trước khi về hưu, phấn khởi nói: “Gia đình tôi có người tham gia cách mạng, tôi rất hiểu. Người dân Bến Tre mình có truyền thống tốt đẹp mà không ai có thể phủ nhận được, nhưng so với bạn bè còn nhiều khó khăn quá. Bây giờ, nghe và thấy Bến Tre mình đã ngàn lần hơn so với trước, như thế thì vui lắm, mừng lắm, đấy là quê hương mình mà”. Quê gốc Bình Đại nhưng sinh sống tại Cần Thơ đã nhiều năm, bác Chiêu luôn theo dõi, cập nhật từng ngày các tin tức về Bến Tre- nơi “chôn nhau cắt rốn” mà bác không thể nào quên.

Tại Cần Thơ, thông qua sinh hoạt, bà con đồng hương xây dựng được tinh thần đoàn kết, giúp nhau vượt nghèo, vượt khó, làm giàu chính đáng và tích cực tham gia công tác nơi cư trú. Ban Liên lạc Hội Đồng hương cho biết, đã có gần 100 anh, chị em là con, dâu, rể của Bến Tre được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ tín nhiệm, quí mến bầu cử, đảm nhiệm các chức vụ ở địa phương, như: anh Lê Phú Tươi- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin TP Cần Thơ, anh Trần Trọng Nghĩa- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP, anh Trần Minh Quang- Phó Chủ tịch Mặt trận TP và nhiều đồng chí khác. 

        

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hà (đứng bên phải) hỏi thăm sức khỏe bà Phan Ngọc Hân, cán bộ hưu trí quận Ninh Kiều (quê ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày). Ảnh: H. Vũ

Mặc dù hơn 90% anh chị em sống bằng đồng lương công chức và lương hưu nhưng đã tự nguyện trích một phần đóng góp để xây dựng quê hương. Nhiều năm qua, những người con Bến Tre đã đóng góp cho tỉnh nhà hơn 1 tỷ đồng để xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương và đóng góp vào các quỹ: Bệnh nhân nghèo, người tàn tật, quỹ khuyến học… Riêng năm 2008, đã góp vào các quỹ hơn 400 triệu đồng, ủng hộ xây dựng nhà tưởng niệm cố Trung tướng Đồng Văn Cống hơn 70 triệu đồng và 10 tấn xi măng…

Tất cả những đồng hương mà chúng tôi gặp đều cùng chung tâm trạng hướng về quê hương. Chị Bé, dì Chiêu, dì Nương… dù tuổi đời, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều phấn khởi trong buổi họp mặt. Hay như chị Thanh Phương vui vẻ: Năm nay tôi đã giới thiệu thêm vài người bạn đồng hương đến dự họp mặt. Quê mình đẹp và thay đổi nhiều quá, ban đêm vào Thị xã không chỗ nào chê được. Năm nay về quê ăn Tết, không bị kẹt xe nữa vì có cầu Rạch Miễu. Thật tự hào khi ai hỏi quê ở đâu? Có đặc sản gì?”Ngoài dừa, nay có thêm cầu Rạch Miễu”.

Chú Nhật Hùng chia sẻ: Tôi rất mừng khi nghe lãnh đạo tỉnh nói về sự thay đổi của quê hương mình. Hạnh phúc quá khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, những người xa quê chúng tôi tình cảm luôn dào dạt, ấm nồng và luôn hướng về quê hương. Tôi mong rằng những bạn sinh viên trẻ sau khi ra trường sẽ về quê cống hiến, xây dựng quê hương. Bến Tre có tiềm năng rất lớn, sẽ phát triển nay mai.

Gặp nhau nói nói cười cười, những cái bắt tay thắt chặt tình đồng hương làm mọi người cảm thấy thân tình, cởi mở. Trên tay cầm tờ báo xuân Đồng Khởi – món quà của quê hương, sự rạng ngời trên gương mặt không giấu được. Mọi người chăm chú lật từng trang, đó là điều họ muốn biết. Sự phát triển, quan tâm của lãnh đạo đối với bà con mình cũng như những người xa quê…

Nhóm PV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN