|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ tư, hàng đầu, từ trái qua) dự phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân |
Trong ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Hoa Kỳ (ngày 13/4 theo giờ địa phương), các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của gần 50 nước trên thế giới tập trung thảo luận hành động quốc tế đảm bảo an ninh hạt nhân, nâng cao vai trò của các tổ chức quốc tế và IAEA đối với việc đảm bảo an ninh hạt nhân.
Trong phiên họp toàn thể thứ hai, cũng là phiên cuối của Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân đầu tiên tổ chức tại Hoa Kỳ, lãnh đạo các quốc gia dự Hội nghị cho rằng, trong những năm qua, các quốc gia đã sớm cùng nhau xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý và cơ chế quốc tế để bảo đảm an toàn, an ninh trong quá trình phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân thông qua các điều ước quốc tế, các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).
Để bảo đảm an ninh hạt nhân, các nước cũng đã cùng nhau hình thành các thiết chế cần thiết như Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức hạt nhân châu Âu, Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân quốc tế…
Hiện nay, các nước tham dự Hội nghị đều rất quan tâm, ủng hộ và hợp tác để bảo đảm an ninh, chống khủng bố hạt nhân, thông qua các hoạt động của LHQ, IAEA và sáng kiến của các quốc gia trên thế giới…
Tham góp ý kiến về chủ đề “Hành động quốc tế bảo đảm an ninh hạt nhân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để bảo đảm an ninh hạt nhân, các hoạt động hợp tác quốc tế cần được tham vấn và đạt được sự đồng thuận rộng rãi của các đối tác; cần tính đến đặc thù về điều kiện kinh tế, xã hội và mức độ ứng dụng năng lượng hạt nhân của mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển.
Thủ tướng khẳng định lại ý nghĩa quan trọng của việc củng cố vị trí trung tâm của LHQ và phát huy vai trò quan trọng của IAEA trong việc thúc đẩy phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, cũng như sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các nhà công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đối với các quốc gia đang phát triển.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam mong muốn cùng các đối tác quốc tế thúc đẩy việc tổ chức một hội nghị quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình như đề xuất của Việt Nam đã được ghi nhận trong Nghị quyết số1887 tháng 9/2009 của Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về giải trừ và không phổ biến hạt nhân.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để bảo đảm an ninh hạt nhân, các hoạt động hợp tác quốc tế cần đạt sự đồng thuận rộng rãi của các đối tác - Ảnh Chinhphu.vn |
3 đề xuất của Việt Nam để IAEA hoạt động ngày càng hiệu quả
Tham gia thảo luận về vai trò của IAEA đối với an ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong hơn 50 năm hoạt động kể từ khi thành lập, IAEA luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tôn chỉ mục đích của mình là tăng cường và mở rộng ứng dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình, chăm lo sức khoẻ, sự phồn vinh của nhân loại cũng như bảo đảm an ninh hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này.
Cho biết Việt Nam ủng hộ các hoạt động của IAEA, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra 3 đề xuất để IAEA thực hiện tốt hơn chức năng của mình.
Thứ nhất, phát huy vai trò của IAEA trong việc điều phối chương trình, hoạt động chung của các quốc gia, trong đó có việc hợp tác thực hiện Kế hoạch An ninh hạt nhân 2010-2013 của Cơ quan này.
Thứ hai, tăng cường sự hỗ trợ của IAEA đối với các nước đang phát triển trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn, an ninh hạt nhân, nâng cao năng lực kiểm soát hạt nhân.
Thứ ba, quan tâm tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để Cơ quan này hoạt động có hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng của mình.
IAEA được thành lập năm 1957 và được coi là Trung tâm quốc tế về hợp tác trong các lĩnh vực hạt nhân. Hoạt đổng của IAEA dựa trên 3 trụ cột là An toàn và an ninh hạt nhân; Bảo đảm và kiểm chứng hạt nhân; Khoa học và công nghệ hạt nhân. Từ năm 1970, IAEA đã tiến hành các hoạt động liên quan đến an ninh hạt nhân, nhưng mới chỉ ở mức độ tổ chức các khóa đào tạo và cung cấp các tài liệu hướng dẫn về bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân.
Từ những năm 1990, trước tình hình trên thế giới có nhiều hoạt động buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân, IAEA mở rộng các hoạt động an ninh hạt nhân, đặc biệt sau sự kiện 11/9/2001 ở Hoa Kỳ, IAEA được thực hiện Chương trình an ninh hạt nhân, thông qua Kế hoạch chống khủng bố hạt nhân (2003 – 2005), Kế hoạch an ninh hạt nhân giai đoạn 2006 -2009 và giai đoạn 2010 – 2013.Trong 50 năm hoạt động, IAEA luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của mình. Giải thưởng Nobel hòa bình năm 2005 được trao cho IAEA và Tổng giám đốc IAEA Mohamed ElBradei. |