Hành trang cho con vào lớp 1

08/07/2011 - 07:48

Giai đoạn vào lớp 1 là cực kỳ khó khăn đối với trẻ. Hơn ai hết, phụ huynh phải luôn là người song hành với các em, giúp trẻ dễ dàng vượt qua những ngỡ ngàng ban đầu để học tập tốt.

Thể dục giữa giờ của học sinh tiểu học huyện Châu Thành. Ảnh: KT

 

Vào lớp 1 là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của trẻ. Với các em, môi trường ở bậc tiểu học hoàn toàn mới mẻ, từ sinh hoạt, học tập đến các mối quan hệ bạn bè, thầy cô...

Trẻ vào lớp 1 - nỗi lo của phụ huynh

Ngoài trẻ em, phụ huynh cũng bị ảnh hưởng trực tiếp của quá trình biến đổi khi trẻ chuyển từ bậc mầm non, mẫu giáo lên bậc tiểu học. Nhiều phụ huynh rất lo lắng trong việc chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1. Mỗi người chọn một cách giải quyết khác nhau. Có phụ huynh đặt nặng việc học hành của con, đăng ký cho con học thêm nhiều lớp luyện chữ, luyện đọc, tập tính... Chị T.K (thị trấn Châu Thành), vì sợ cháu học thua sút bạn bè nên tranh thủ tháng hè, gửi con cho một cô giáo ở thành phố Bến Tre dạy. Mỗi ngày cháu học 2 buổi, môn tiếng Việt và môn Toán. Tối đến, chị còn dạy kèm cháu thêm 2 tiếng nữa. Chị kể: Mới hôm qua, khi tôi bảo cháu chuẩn bị đi học thì cháu khóc thét: Mẹ ơi con sợ lớp 1 quá! Cháu làm tôi thật sự sửng sốt. Tôi nghĩ, có lẽ mình đã quá vội vàng và coi trọng việc học của con hơn là chuẩn bị tâm lý cho cháu nên cháu mới bị sốc như vậy. Khác với chị T.K, chị M.N (phường 2, thành phố Bến Tre) giải quyết vấn đề lớn này một cách nhẹ nhàng hơn. Nắm bắt những khó khăn mà trẻ phải trải qua khi bước vào lớp 1 nên từ lúc cháu còn học lớp mầm non, chị thỉnh thoảng kể cho con nghe về môi trường giáo dục phổ thông, về chuyện học hành, thầy cô và bạn bè ở đó. Chị cũng thường dẫn con đến nhà sách, cùng con tô màu, tô chữ hàng ngày. Chị nói: Theo tôi, tất cả phụ huynh có con vào lớp 1 đều có cùng tâm trạng lo lắng, bản thân tôi cũng vậy. Học là quan trọng, tuy nhiên, tôi không đặt nặng vấn đề này vì cháu còn quá nhỏ mà chú trọng đến diễn biến tâm lý của cháu khi bước vào môi trường hoàn toàn xa lạ với mình. Để con không ngỡ ngàng, tôi đã dành nhiều thời gian dạy con các kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là dạy cháu tự chăm sóc bản thân trong thời gian học ở trường.

Cha mẹ bao giờ cũng muốn mang lại những điều tốt nhất cho con. Phải nhìn nhận rằng, trường hợp của chị T.K trên là rất thường gặp khi năm học 2011-2012 sắp bắt đầu. Việc quan tâm việc học của con hoàn toàn không sai. Tuy nhiên, theo các nhà giáo dục, nếu phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào trẻ khi trẻ mới vào lớp 1 mà quên việc chuẩn bị tâm lý thì khó đạt kết quả tốt. Vì vậy, nên chăng phụ huynh cần nhìn nhận đúng đắn hơn trong việc làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi, tạo sự tự tin cho trẻ bước vào lớp 1. Sự lo lắng quá mức của phụ huynh sẽ dễ dẫn đến việc giải quyết xử lý tình huống không đúng cách, chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn phản tác dụng đối với việc học hành của con trẻ.

Các nhà giáo dục nói gì?

Chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1 là việc làm hết sức cần thiết của các bậc phụ huynh để giúp trẻ vượt qua cửa ải đầy khó khăn trên con đường học vấn. Chị Nguyễn Thanh Bình, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết: Việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi đến trường là khâu quan trọng nhất. Bởi khi chuyển tiếp từ bậc mầm non sang bậc tiểu học, môi trường sinh hoạt, học tập của trẻ hoàn toàn thay đổi. Trẻ không còn được vui chơi thoải mái, không còn được cô giáo chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, đến vệ sinh cá nhân, mà tất cả mọi hoạt động các em đều phải tự mình làm lấy. Vì vậy, việc đảm bảo sự kế thừa, tính khoa học, những kiến thức đã được hình thành ở lứa tuổi mầm non cần phải được củng cố và mở rộng, hoàn thiện ở mức độ cao trước khi trẻ vào lớp 1. Điều này nhằm giúp trẻ không bị những thay đổi đột ngột khi chuyển hoạt động chủ đạo từ vui chơi sang học tập trong nhà trường phổ thông. Ngoài ra, để trẻ học tốt chương trình tiểu học, đặc biệt là lớp 1, thì thầy cô, phụ huynh cần giúp trẻ hội đủ các yếu tố cơ bản như sau: về thể chất, về trí tuệ, về tình cảm - xã hội, về ngôn ngữ và những kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập.

Về mặt thể chất, phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ về mặt thể lực. Cụ thể là phụ huynh cần tạo cho trẻ một chế độ sinh hoạt, ăn, uống, nghỉ ngơi, luyện tập... khoa học và hợp lý cả về thời gian, cũng như phù hợp với đặc điểm phát triển riêng của trẻ, giúp trẻ phát triển chiều cao và trọng lượng để trẻ có năng lực làm việc bền bỉ, dẻo dai, có khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, độ khéo léo của bàn tay, tính nhanh nhạy của các giác quan. Về mặt trí tuệ, phụ huynh, thầy cô cần giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng hoạt động trí óc (so sánh sự giống nhau hay khác nhau của hai hay nhiều sự vật, hiện tượng, đối chiếu về kích thước hỏi và tự trả lời, đếm số...), khả năng định hướng trong không gian (trên, dưới, trước, sau, phải, trái) và thời gian (sáng, trưa, chiều, tối, hôm nay, hôm qua...), giúp trẻ có sự hiểu biết về bản thân, gia đình, sự vật, hiện tượng trong môi trường xung quanh (nắng - mưa, nóng - lạnh, các thứ bậc trong gia đình...) và các kỹ năng thực hiện hoạt động trí óc như so sánh phân tích, tổng hợp (cái nào lớn, cái nào nhỏ, cái nào nhiều, cái nào ít...). Trong tình cảm xã hội, trẻ lớp 1 cần được phát triển tính tự tin, tự trọng, thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập, khả năng tập hợp, chấp hành những quy định chung và sự chỉ dẫn của người lớn. Vì vậy, phụ huynh, thầy cô cần giáo dục cho trẻ em ý thức về bản thân, có thói quen tự phục vụ bản thân, giáo dục trẻ ý thức chấp hành nội quy, quy định ở trường, lớp học, những nơi công cộng, chấp hành Luật Giao thông đường bộ; giáo dục trẻ ý thức và thái độ cư xử phù hợp đối với người thân trong gia đình, như: ông bà, cha mẹ, anh chị em, chú bác…; giáo dục trẻ tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, cô giáo và những học sinh lớp khác trong trường, đồng thời giúp trẻ có những biểu tượng chính xác về trường phổ thông, về mối quan hệ giữa bạn bè, thầy cô giáo; tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi nhằm phát triển tính tự tin, tự lực và sáng tạo của trẻ; giúp trẻ ham học bằng cách thiết kế những hoạt động thú vị vui nhộn, vừa sức cho trẻ. Một yêu cầu nữa của trẻ lớp 1 là có ngôn ngữ mạch lạc, sử dụng tiếng mẹ đẻ, mở rộng vốn từ về thế giới xung quanh, biết diễn đạt một cách rõ ràng, mạch lạc, không nói ngọng, nói lắp, nói lí nhí... Vì vậy, thầy cô, phụ huynh cần tổ chức nhiều hoạt động nghe - nói, chuẩn bị cho việc đọc - viết của trẻ như: cho trẻ tiếp xúc với chữ viết trong môi trường xung quanh, nhận dạng và phát âm các chữ cái, tô chữ cái, từ, xem và nghe đọc các loại sách, phân biệt phần mở đầu, kết thúc của sách. Đặc biệt, cho trẻ làm quen với cách đọc và viết tiếng Việt, hướng đọc, viết từ phải sang trái, từ dòng trên xuống dòng dưới, hướng viết của các nét chữ, đọc truyện qua các tranh vẽ... Ngoài ra, trẻ lớp 1 cũng cần những kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập. Do đó, thầy cô, phụ huynh cần tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện một số kỹ năng cơ bản của hoạt đông học tập như: việc sắp xếp bàn ghế, cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đóng… để giúp trẻ thích ứng với hoạt động mới; dạy trẻ biết cách điều khiển, vận động bàn tay để thực hiện một cách gọn gàng, dẻo dai các thao tác vận động trong học tập.

Trẻ vào lớp 1 thường gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường mới. Theo Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng (TP. Hồ Chí Minh), các phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây:

- Trẻ thường lúng túng trong việc tự chăm lo bản thân khi sinh hoạt cả ngày ở trường (ăn, uống, vệ sinh cá nhân…). Phụ huynh cần hướng dẫn con cách ứng xử khi ăn, uống ở trường không hợp khẩu vị, khi nhà vệ sinh của trường không sạch sẽ, thiếu tiện nghi so với gia đình…

- Trẻ chưa quen ghi nhớ những dặn dò của giáo viên về trang phục, dụng cụ học tập, bài tập… nên không báo lại với cha mẹ, do đó thường sai sót khi đến trường. Cha mẹ nên liên lạc với giáo viên hoặc phụ huynh cùng lớp để giúp con làm đúng lời dặn của thầy cô.

- Trẻ chưa hiểu, chưa nhớ hết nội quy nhà trường nên dễ sai phạm. Cha mẹ không vội vã chê trách, la mắng con mà nhắc nhở và khuyên con cố gắng tuân thủ nội quy.

- Trẻ không biết cách làm quen hoặc ứng xử với bạn mới. Trẻ có thể bị lẻ loi hoặc gây ác cảm với bạn. Mỗi ngày, cha mẹ hỏi han quan hệ của trẻ với bạn, kịp thời phát hiện những sai sót, vụng về của trẻ để giúp trẻ điều chỉnh, xây dựng quan hệ tốt đẹp với bạn. Nếu trẻ bị bạn hiếp đáp cần hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình (nhờ thầy cô giải quyết, nhờ các bạn khác phân xử, chờ gặp cha mẹ bạn nhờ họ phân xử hoặc bình tĩnh đối phó với bạn) chứ không vội “ra tay” (tìm gặp la mắng, đe dọa học sinh đã hiếp đáp con mình). Điều này có thể gây xung đột giữa các phụ huynh và không giúp các trẻ làm lành, chơi tốt với nhau.

- Trẻ chưa kiên trì khi học bài, làm bài ở nhà, cha mẹ chia nhỏ các nhiệm vụ để trẻ thực hiện từng bước. Theo dõi thời khóa biểu để nhắc trẻ hoàn thành nhiệm vụ học tập ở nhà.

H.T (lược ghi)

Bài, ảnh: H.THI

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN