Hành trình khởi nghiệp với bột bã mía nuôi tôm

18/02/2019 - 06:52

Dự án “Sản xuất chế phẩm vi sinh bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh” của anh Trần Phúc Hậu - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thủy sản Đại Thành (thị trấn Bình Đại) đã vượt qua 300 dự án khởi nghiệp (KN) đoạt giải nhì tại Cuộc thi KN quốc gia năm 2018, do Ban Chỉ đạo Chương trình KN quốc gia tổ chức và công bố kết quả vào đầu năm 2019. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã trao đổi với anh Trần Phúc Hậu xoay quanh một số kết quả bước đầu cũng như kinh nghiệm của anh trên hành trình KN.

Trần Phúc Hậu (thứ 5, từ trái sang) nhận giải thưởng KN quốc gia. Ảnh: CTV

Trần Phúc Hậu (thứ 5, từ trái sang) nhận giải thưởng KN quốc gia. Ảnh: CTV

* Phóng viên: Anh vui lòng chia sẻ những cảm xúc của mình nhân dịp đầu năm mới?

- Anh Trần Phúc Hậu: Năm 2019 là năm thứ 5 triển khai Dự án “Sản xuất chế phẩm vi sinh bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh”. Bước đi trên con đường KN qua mỗi năm, đến nay, tôi cảm thấy mình càng tự tin hơn với con đường đã chọn và cảm thấy tinh thần KN quyết liệt hơn khi có sản phẩm tung ra được thị trường đón nhận cao.

Mục tiêu dự án xác định sản phẩm KN chính là sản xuất chế phẩm bột bã mía vi sinh, tức phối trộn bột bã mía và các dung dịch vi sinh sống, các loại thảo dược có lợi vừa làm thức ăn cho tôm, vừa giúp cải thiện môi trường nuôi tôm, giảm các loại dịch bệnh và sử dụng thay thế các loại hóa chất, thuốc kháng sinh dùng trong ao nuôi tôm đang bán trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, dự án triển khai đầu tư thêm nhiều ao nuôi tôm theo mô hình tôm sạch, có sử dụng sản phẩm bột bã mía và một vài sản phẩm sinh học khác, dần bỏ hoàn toàn các loại kháng sinh trong nuôi tôm. Mô hình này vừa giúp tôi thực nghiệm, trình diễn quy trình nuôi tôm với sản phẩm KN của mình vừa giúp tôi tạo ra sản phẩm cuối cùng đó là con tôm sạch, có lợi và an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Kết quả bước đầu trong năm 2018 là động lực để tôi quyết tâm đeo đuổi hướng này trong năm 2019.

* Việc tham gia các cuộc thi KN đã giúp anh như thế nào trong quá trình KN?

- Tham gia các cuộc thi, trước hết tôi có nhiều cơ hội trao đổi, học tập các chuyên gia kinh tế về hướng đi, về mô hình, những ưu khuyết của sản phẩm. Sau đó, tôi còn được tham gia các khóa huấn luyện, giúp thay đổi tư duy và nâng tầm quản lý doanh nghiệp, cách phát triển sản phẩm từng lúc theo hướng phù hợp, tối ưu.

Thật ra, ban đầu tôi nghĩ mình chỉ sản xuất chế phẩm bột bã mía vi sinh. Nhưng khi tham gia các cuộc thi, được sự góp ý của ban giám khảo, các chuyên gia, tôi xác định bột bã mía vi sinh vẫn là sản phẩm nền tảng KN nhưng phải đầu tư phát triển con tôm sạch để tạo thành sản phẩm cuối cùng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại giá trị cao. Mặt khác là đồng hành, hỗ trợ người nông dân.

* Anh đồng hành, hỗ trợ người nuôi tôm trên địa bàn như thế nào?

- Hỗ trợ mô hình, cũng như về tài chính cho các hộ dân nuôi tôm gặp khó khăn và hướng họ theo các quy trình sản xuất tôm sạch vừa là một định hướng theo chiến lược kinh doanh của công ty vừa thể hiện đúng ước vọng đậm tính nhân văn của dự án KN đối với xã hội.

Hiện tại, vùng nuôi tôm của huyện Bình Đại cũng đã suy thoái nhiều do biến đổi khí hậu, gây hậu quả lớn cho người nuôi tôm. Cách làm này dần giúp người nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cải thiện thu nhập và an tâm cùng công ty phát triển vùng nuôi theo hướng bền vững.

Đến nay, công ty kết hợp với khoảng 50 hộ dân, tổng diện tích trên 20ha. Theo kế hoạch năm 2019, công ty sẽ phát triển mối liên kết này nhằm phát triển quy mô, nâng sản lượng chế phẩm bột bã mía vi sinh; cùng với triển vọng xuất khẩu con tôm sạch, công ty sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm và mở rộng vùng nuôi trong huyện hơn nữa.

* Đâu là những tín hiệu mới về xuất khẩu con tôm sạch?

- Một số đối tác thị trường Nhật Bản hứa hẹn sẽ nhập khẩu con tôm sạch của công ty. Hiện tại có nhiều nhà nhập khẩu thủy sản Nhật Bản đã đến tham quan mô hình sản xuất của công ty, họ trực tiếp đến các vùng nuôi. Nhật Bản cũng hy vọng sẽ thu mua sản phẩm (con tôm) của công ty trong năm 2019 để xét nghiệm tiêu chuẩn, tiến hành nhập khẩu vào Nhật Bản, với sản lượng tôm sạch đạt 10 tấn/tháng. Họ cũng đang hướng con tôm sạch của vùng nuôi này để phục vụ Olympic tại Nhật Bản.

Vì thế, công ty xác định mục tiêu lớn của năm 2019 là đầu tư phát triển ao nuôi và con tôm theo hướng hoàn thiện.

* Điều trở ngại trong cuộc hành trình KN của anh là gì?

- Gia đình tôi không có truyền thống về kinh doanh, ít người hiểu cách tôi làm, từ đầu đã không ủng hộ. Mãi cho đến giờ này, sự thành công của tôi cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Để chứng minh hướng đi của mình là đúng thì tôi cần phải trải qua thêm một thời gian rất dài nữa và cũng lắm gian nan.

Tuy vậy, tôi vẫn luôn luôn chọn gia đình làm động lực, điểm tựa về tinh thần trong hành trình KN của mình, với mục tiêu phát triển chuỗi con tôm sạch theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

* Đối với người KN, theo anh điều gì là quan trọng nhất?

- Với góc độ người KN phát triển từng bước và được Ban Chỉ đạo Chương trình KN quốc gia xét chọn ở vị trí khá cao so với cả nước, tôi nghĩ rằng: khi KN thì ai cũng xác định mục tiêu nhưng quan trọng là phải xác định kỹ, đầy đủ các mục tiêu. Mục tiêu chúng ta đặt ra không đơn thuần là lợi nhuận trước mắt mà cần có hiệu quả thật sự, có sự khác biệt và bền vững cho sản phẩm, cho cộng đồng nơi mà chúng ta đang sinh sống.

Qua mỗi giai đoạn phát triển, người KN cần đặt mục tiêu cao hơn cùng với sự phát triển không ngừng, tuyệt đối không thể dừng lại với tư tưởng thỏa mãn nếu muốn vươn xa.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

“Kết quả năm 2018, sản lượng bột bã mía đạt 500 tấn, doanh thu 3 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thủy sản Đại Thành cơ bản hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, cũng như cơ sở pháp lý cho sản phẩm và có kế hoạch phát triển hệ thống bán lẻ trên toàn bộ các tỉnh nuôi tôm ở miền Tây nên công ty có tham vọng đạt 1.000 tấn”.

Cẩm Trúc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN