Hành trình về biển đảo quê hương

27/01/2016 - 07:06

Đại tá Lê Đình Việt - Trưởng đoàn công tác thả hoa tưởng nhớ các chiến sĩ Hải quân đã hy sinh.

Vào những ngày giáp Tết Bính Thân 2016, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tổ chức chuyến thăm và tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, các cơ quan dân chính Đảng và Trạm radar ở Côn Đảo. Chuyến tàu không chỉ mang những món quà thiết thực mà gửi gắm trong ấy là những tình cảm thân thương của nhân dân đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có mặt và ghi lại những hoạt động, cảm xúc của hành trình nhiều ý nghĩa này. 

Một trong những hoạt động chính mang đến nhiều cảm xúc nhất của hành trình là lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Lễ được tổ chức ngay trên boong Tàu 624 vào một buổi chiều trời nhiều nắng, ít gió và sóng biển khá dịu êm. Tàu được neo lại cạnh Nhà giàn DK1/14 (Phúc Nguyên), trước khi đoàn lên thăm, tặng quà các chiến sĩ. Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng, thiêng liêng và rất xúc động.

Ngời sáng những tấm gương

Dù nhiều người trong đoàn công tác khá mệt do bị say sóng vì những ngày đầu chưa quen đi tàu nhưng tất cả đều tranh thủ chuẩn bị để có mặt tại vị trí làm lễ tưởng niệm, nghiêm trang, thành kính, hướng mặt về biển, hướng lòng mình về các anh - những người chiến sĩ đã hy sinh thân mình để giữ yên biển trời Tổ quốc. Chiếc phao tròn đặt giữa bàn thờ được trang trí và trưng bày các phẩm vật tế lễ vong linh các anh hùng liệt sĩ là hình ảnh gây nhiều xúc động cho những người hiện diện. Một hình ảnh vật tế lễ đặc biệt gợi lên sự sống vững chắc, hay sự che chở yên lòng, sự tồn tại giữa biển trời mênh mông. Các anh đã nằm lại giữa lòng trùng khơi - nơi chưa một giây nào lặng sóng nhưng trái tim thủy chung với biển trời Tổ quốc và tấm gương anh dũng của các anh mãi mãi vẫn còn nguyên vẹn, luôn được tôn vinh và nhắc nhớ.

Đại tá Lê Đình Việt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác đã cố gắng nén cảm xúc đang trào dâng trong ông để đọc bài phát biểu tưởng niệm. Giọng ông gần như nghẹn lại khi nhắc đến tên của từng đồng chí đã hy sinh. Đại tá Lê Đình Việt nêu: Trong hơn 27 năm qua, kể từ ngày Nhà nước quyết định thành lập Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng, mà trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 - Vùng 2 Hải quân là con em của các tỉnh, thành trong cả nước đã gác lại mọi riêng tư để lên đường làm nhiệm vụ. Các đồng chí đã phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội anh hùng, nêu cao tinh thần vì Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua mọi hiểm nguy, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình ấy, mặc dù Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân chủng Hải quân đã thường xuyên quan tâm và làm hết sức mình, tạo mọi điều kiện để các đồng chí thực hiện nhiệm vụ nhưng thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đã làm đổ và chìm một số nhà giàn vào những năm 1990, 1996, 1999. Từ trong gian khổ, thử thách, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn, các tàu trực đã tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu về lòng dũng cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội trong sáng, thủy chung, làm sáng đẹp thêm hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” - người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới.

Chúng ta không thể quên tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng - Thượng úy, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Nhà giàn DK1/3 (Phúc Tần). Khi nhà giàn bị đổ, anh đã cùng anh em bơi nhiều ngày trên biển, trong lúc sóng to, gió lớn, anh đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất, còn anh thì ra đi mãi mãi vào ngày 5-12-1990. Hay hành động cao đẹp của anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng Nhà giàn 2A DK1/6 (Phúc Nguyên) trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 (năm 1998), anh vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời nhà giàn, xuống tàu về đất liền an toàn. Còn anh và đồng chí Nguyễn Văn An đã ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng và rời nhà giàn cuối cùng nhưng gió bão hung dữ của đại dương đã cướp đi sinh mạng của các anh. Và còn nhiều tấm gương anh dũng như các đồng chí: Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Thượng úy Phạm Tảo, Đại úy Nguyễn Văn Từ, Trung úy Lê Tiến Cường, Thượng úy Ngô Sĩ Nga… Sự anh dũng hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, làm sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Hải quân; tạo thành những giá trị vô giá để động viên các thế hệ hôm nay tiếp tục giữ vững, phát huy thế mạnh của nhà giàn trong điều kiện mới.

“Lời thề giữ biển một câu quân hành”

Biển vẫn rì rào khúc tráng ca như lời thì thầm của các anh gửi lời chào thương mến đến đoàn công tác. Không ai bảo ai, toàn bộ những người tham gia hành trình đã kính cẩn, thành tâm tận tay mình đến thắp nén hương tưởng nhớ các anh và cùng chứng kiến giây phút thả vòng hoa, vật lễ xuống biển. Sau đó, tự tay mỗi người cầm một bông hồng thay cho tình cảm thương mến của mình thả xuống lòng biển cả để gửi đến các anh.

Trung úy Đào Văn Hưng - Quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên lái tàu chia sẻ: “Là chiến sĩ Hải quân, chúng tôi đã được tham dự, chứng kiến lễ tưởng niệm thế này rất nhiều lần qua các năm, nhưng lần nào chúng tôi cũng rất xúc động, tưởng nhớ đến những người chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ vùng biển này. Là người giữ biển thế hệ sau, chúng tôi luôn nhìn theo tấm gương sáng của các anh để phấn đấu, cố gắng làm tốt mọi nhiệm vụ của mình, luôn luôn sẵn sàng để bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Những người chiến sĩ Hải quân như chúng tôi đã luôn luôn xác định rõ nhiệm vụ để quyết tâm thực hiện tốt, đặc biệt đối với những giờ phút thiêng liêng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên biển cả như thế này thì gần như là một điểm nhấn, thôi thúc chúng tôi càng phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn để làm tốt nhiệm vụ của mình”.

Không chỉ riêng các chiến sĩ mà đội ngũ phóng viên tham dự lễ tưởng niệm cũng mang nhiều cảm xúc. Anh Nguyễn Vũ Hà - Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi đi tác nghiệp ở các nhà giàn trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc và được tham dự lễ tưởng niệm nhiều ý nghĩa. Tôi có rất nhiều cảm xúc, vừa bùi ngùi, vừa thấy tự hào vì Tổ quốc thân yêu đã có những chiến sĩ Hải quân kiên trung như thế. Tôi cảm nhận, so với sự hy sinh của các anh thì những vất vả trong quá trình thực hiện công việc của mình là rất nhỏ bé, chẳng đáng là bao. Hình ảnh mà tôi ấn tượng và cảm thấy xúc động nhất là lúc các chiến sĩ thả chiếc phao mang vật lễ tế xuống biển và mọi người cùng nhau thả những bông hồng xuống biển giữa những con sóng vẫn đang tung trào trắng xóa. Các anh tuy đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng tấm gương anh dũng của các anh sẽ còn sáng mãi để thế hệ sau như chúng tôi soi rọi mình mà phấn đấu hơn trong công tác”.

Nhớ về các anh - những người chiến sĩ đã quên mình giữ biển, Đại tá Lê Đình Việt đã dõng dạc đọc một bài thơ như một lời tuyên thệ trước biển, trước anh linh của các anh: “…Anh ơi sướng khổ đã từng/ Sóng to gió lớn ta cùng bên nhau/ Bây giờ cho tới mai sau/ Lời thề giữ biển một câu quân hành…”.

Bài 2: Xuân về trên Nhà giàn

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN