|
Vui cùng lính đảo. Ảnh: P.Y |
Kỳ 1: Đường đến đảo ngọc
Kỳ 2: Kiên cường Hải quân Vùng E
Kỳ 3: Đời lính trên đảo Thổ Chu
Kỳ 4: "Mắt biển"
Kỳ 5: Giữ rừng giữa trùng khơi
Kỳ 6: Lớp học ngang lưng núi
Kỳ 7: Thấm đượm tình quân dân
Kỳ 8: Nét đẹp Nam Du
Kỳ cuối: Điểm tựa lòng dân trên biển Tây Nam
Vượt qua hơn 400 hải lý, vòng quanh các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, và quần đảo Hải Tặc, đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được tình quân nhân thấm đẫm. Câu nói cửa miệng của bà con khi hỏi về những người lính canh đảo là: “Ở gần mấy chú bộ đội yên tâm hơn”. Giữa đảo chơi vơi, bộ đội là chỗ dựa tin cậy của dân. Chính ủy Hải quân Vùng E Ngô Văn Phát tự hào: Đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo, Vùng E Hải quân đã làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển và giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, phòng chống cháy nổ, làm tốt công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa và giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội. Chúng tôi rất vinh dự khi được nhân dân yêu mến, quí trọng. Nhưng đó là nghĩa vụ của chúng tôi, đồng thời cũng là nét đặc trưng phản ánh truyền thống bản chất của bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, vì dân.
Quân với dân không chỉ có thế. Mỗi khi trái gió trở trời, tai nạn rủi ro, người dân nơi đây ấm lòng khi được sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ bộ đội hải quân và biên phòng đóng quân trên đảo. Ở đảo Phú Quốc hiện có Đội điều trị 78, Bệnh xá Quân dân y kết hợp. Đảo Thổ Chu có Bệnh xá Hải quân. Trên các đảo Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đốc thì có đội ngũ y bác sĩ thường trực phục vụ chăm lo sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Bác sĩ Đỗ Văn Khuê, Chủ nhiệm Quân y Vùng E cho biết Vùng luôn phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương tổ chức tập huấn phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS cho đội ngũ y bác sĩ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Bây giờ, Đội điều trị 78 và Bệnh xá Quân dân y kết hợp đã được trang bị máy X-quang, điện tim, sinh hóa, siêu âm và các y cụ hiện đại có khả năng thực hiện các ca trung phẫu, đại phẫu. Đội ngũ y, bác sĩ đều được đào tạo qua các trường chính quy. Nhiều năm qua, các đơn vị này đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo mà không phải chuyển lên tuyến trên, chuyển vào đất liền như trước. Tôi đọc được nhiều trường hợp bệnh nặng mà ở đây đã chữa khỏi như: anh Long (quê Quảng Trị) bị bể ruột thừa khi đang đi lặn trên biển, anh Tám (ở Dương Tơ) bị tai biến mạch máu , chị Oanh (An Thới) u nan buồn trứng… Riêng ở các đảo xa, việc điều trị bệnh cho dân có phần khó khăn hơn. Hầu hết cả đảo đều tổ chức tốt việc khám chữa bệnh và vận động nhân dân phòng tránh bệnh. Nhưng đó là những bệnh thông thường, còn trường hợp bệnh nặng, chuyển viện trong điều kiện xa xôi, người dân nơi đảo xa cũng phải chịu không ít thiệt thòi. Ông Nguyễn Trường Vũ – Bí thư xã Thổ Châu (đảo Thổ Chu) nói: “Trạm xá Hải quân trên đảo này là chỗ dựa của nhân dân. Trạm đáp ứng tương đối đầy đủ việc điều trị các bệnh liên quan nội khoa. Riêng ngoại khoa, sản khoa do chưa có bác sĩ nên có trường hợp đau ruột thừa, thai ngoài tử cung… đã phải mất 9 tiếng đồng hồ chở vào Phú Quốc”.
Có điều đặc biệt ở các đơn vị khám chữa bệnh ở đây là danh sách bệnh nhân vô gia cư luôn rất dài. Ngư dân bị tai nạn trên biển; hoặc những ngày tàu bè vào bờ biển nhiều, ngư dân và cư dân địa phương nhậu nhẹt, ẩu đả, phóng xe bạt mạng gây tai nạn giao thông là những bệnh thường gặp nhất. Không người thân, không biết chỗ ở, những thầy thuốc mang quân hàm vẫn làm hết trách nhiệm của mình. Các anh kể rằng, có không ít trường hợp bệnh nhân không đủ khả năng trả tiền thuốc, đang đêm trốn viện, dong thuyền ra biển. Rồi một ngày, thầy thuốc ở đây lại nhận được mớ hải sản tươi rói của bệnh nhân hôm nào gọi là “đền ơn, để lương tâm không day dứt vì không có tiền trả viện phí, vì phụ công chăm sóc nhiệt tình của bộ đội”.
***
Tôi nhớ hoài hoàng hôn trên biển Tây Nam. Ráng chiều rực lên rồi dần dần sang màu đỏ ối. Mặt trời rực đỏ góc trời, tròn vành vạnh từ từ chui xuống biển cho đến khi khuất hẳn. Hoàng hôn trên biển Tây Nam lãng mạn bao nhiêu thì người lính giữ đảo vất vả bấy nhiêu. Các anh đã vượt qua bao trở lực bằng chính tình yêu quê hương của mình. Chia tay người lính canh giữ vùng biên, bao luyến lưu da diết. Lời thơ của anh lính trên đảo Hòn Khoai lại vấn vương: “Tuổi còn thơ tôi mơ làm người lính / Khoát trên mình màu áo hải quân / Đứng hiên ngang canh gác bầu trời / Cho quê hương hòa bình mãi mãi / Đến Hòn Khoai tôi là người lính đảo / Xa bố mẹ, bạn bè bao kỷ niệm thân quen/ Nhưng làm trai phải nuôi chí anh hùng / Cho Tổ quốc rạng ngời trang lịch sử / Để xứng danh người lính của Cụ Hồ”.