|
Một góc Nam Du |
Kỳ 8: Nét đẹp Nam Du
Cả ngày trèo non, xuống biển, sau bữa cơm chiều trên tàu, tất cả ngủ thật say. Đang ngon giấc bỗng giật mình bởi tàu HQ27 xuống máy nhỏ, đèn trong phòng vụt tắt, chỉ còn ánh sáng mờ mờ trên lối đi. Tàu khẽ chòng chành, chỉ có tiếng sóng xô mạn tàu oàm oạp. Đồng hồ chỉ 8 giờ 30. Vậy là từ Hòn Chuối qua Nam Du mất đúng 5 tiếng.
Kỳ 1: Đường đến đảo ngọc
Kỳ 2: Kiên cường Hải quân Vùng E
Kỳ 3: Đời lính trên đảo Thổ Chu
Kỳ 4: "Mắt biển"
Kỳ 5: Giữ rừng giữa trùng khơi
Kỳ 6: Lớp học ngang lưng núi
Kỳ 7: Thấm đượm tình quân dân
Tàu neo giữa dòng chờ trời sáng. Mấy ngày liền đến với các đảo hiếm bóng người, nhưng với Nam Du thì khác hẳn. Đèn điện, phố xá lung linh trên mặt biển trải dài. Thỉnh thoảng có ánh đèn xe gắn máy vút qua. Trên boong tàu, trăng soi rõ từng gương mặt, không có đèn cao áp nên chẳng con mực nào chịu cắn câu của những kẻ nghiệp dư đang hăm hở ngồi chờ. Nhưng chính không gian tuyệt đẹp này đã làm thỏa lòng bất kỳ ai thích trải mình cùng thiên nhiên.
Nam Du hiện là điểm hấp dẫn khách thưởng ngoạn. Những bãi biển cát trắng hòa quyện cùng thiên nhiên hoang sơ như bãi Bắc, bãi Đá Đen, Đá Trắng, bãi Nam... Những ai một lần đến Nam Du đều không quên được cảm giác thú vị khi đắm mình trong lòng nước mát lạnh ở Bãi Chướng (hòn Mấu). Bãi Chướng như một cái vịnh, từ phía xa như một hồ nước khổng lồ, xung quanh là những rặng dừa vài chục năm tuổi. Đá ở bãi này muôn hình vạn trạng, nhiều màu sắc nhưng phần lớn là đá có màu đen bóng. Dưới ánh nắng mặt trời, đá lấp lánh sắc màu, đẹp đến lạ kỳ. Ngoài những bãi tắm, ban đêm, Nam Du như bừng sáng giữa biển cả bao la bởi hàng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn, tạo thành một bức tranh di động lung linh huyền diệu.
Cùng với các anh ở Đồn Biên phòng 742, chúng tôi đi dọc bãi biển lấp lánh sóng dưới ánh bình minh. Trung tá Hồ Văn Chơ - Đồn Trưởng cho biết Nam Du là quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải (Kiên Giang), cách thành phố Rạch Giá 83km đường biển. Quần đảo gồm 21 đảo được xếp đặt khéo léo từng khối thể lớn nhỏ, cao thấp nằm đan xen nhau giữa đại dương. Quần đảo này có hòn Củ Tron (còn gọi là hòn Lớn) rộng nhất (9km2), nhỏ nhất là hòn Lò (200m2). Dân cư sống tập trung ở Củ Tron, hòn Mấu và hòn Bờ Đập, còn lại hầu hết là đảo hoang. Quần đảo vùng biên, rồi tàu thuyền đánh cá từ các tỉnh đổ về nên trách nhiệm của lính canh đảo phải nhân gấp bội. “Dù vậy, từ nhiều năm nay, trên vùng biển này tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững” – Trung tá Chơ nói.
Chúng tôi chinh phục Nam Du bằng cuộc hành trình lên đỉnh đảo Củ Tron - hòn lớn và cao nhất, tọa lạc ở trung tâm xã An Sơn. Tôi ngồi sau xe Trung úy Đinh Văn Phong - Trạm Ra-đa S00, theo con đường nhựa phẳng lỳ 2,6 km, cùng anh lên đỉnh Củ Tron. Phong siết hết ga vượt lên con dốc ngoằn ngoèo cao 295m so mặt nước biển. Đến Hòn Khoai hay Hòn Chuối phải hổn hển từng bước lên đỉnh, về Củ Tron lại sợ phát khiếp vì xe leo dốc. Trung úy Phong vui vẻ: Đi riết rồi quen. Lúc mới về đây đầu quân (quê Thanh Hóa), tôi không dám ngồi cho người khác chở chứ nói gì đến lái xe”. Nhưng, trên đoạn đường khúc khuỷu ấy, ở từng độ cao khác nhau, nét đẹp Nam Du hiện ra như bức tranh muôn vẻ. Khi lên đến đỉnh, toàn cảnh Củ Tron và 20 hòn đảo còn lại của Nam Du thu trong tầm mắt. Nhìn ra phía Đông là làng chài thuộc xã An Sơn, phía Tây là làng chài Bãi Ngự và xa xa là đảo Hòn Ngang với nhà cửa, tàu thuyền san sát nhau như một thành phố nổi trên biển. Và trên đỉnh Củ Tron này, ngọn hải đăng xoay tròn quét tia sáng cực mạnh. Trung úy Phong tự hào: “Khi màn đêm buông xuống thì nơi đây được xem như là tâm điểm chiếu sáng rực rỡ của cả quần đảo Nam Du”.
Tạo hóa đã ưu ái dành cho Nam Du nét đẹp quyến rũ và người dân nơi đây đã biết tận dụng và “hào phóng” trải lòng mời gọi khách thập phương cùng chiêm ngưỡng. Mỗi ngày, nếu trời yên biển lặng đều có tàu từ đất liền cập bến Nam Du. Rồi những con đò du lịch đưa khách vòng quanh các đảo. Mỗi đảo một nét riêng với những tên gọi quen thuộc như hòn Mấu, Đô Nai, Bờ Đập, hòn Lò, hòn Ngang, hòn Đụng, hòn Dầu, hòn Dâm, hòn Tre, hòn Mốc, hòn Nhàn, hòn Nồm, hòn Khô… Điểm đặc biệt ở các hòn đảo này là có những ghềnh đá rất đẹp được tạo ra từ vô số tảng đá như nham thạch. Những “tảng nham thạch” được sóng biển gọt đẽo hàng vạn năm tạo thành những tác phẩm điêu khắc sinh động.
Chiều trên cầu cảng Nam Du ghe tàu đánh cá về neo đậu làm sôi động cả một vùng. Bà con nói đặc sản ở đây là ốc nhảy, ốc đụn, hàu sữa, ghẹ, mực... Còn chúng tôi được chứng kiến cảnh các chị, các anh cùng gỡ lưới với nhiều loại hải sản có tên gọi rất lạ: con điệu, cua nóc mít, trùm mền, con cúm, chôm chôm, con nhum… Nam Du thật trù phú và đầy màu sắc. Đời sống người dân Nam Du cũng phong phú không kém. Theo Chủ tịch UBND xã An Sơn, Nam Du không còn hộ nghèo, chỉ còn 7 hộ cận nghèo. Cái khó lớn nhất của người dân trên đảo này cũng sẽ được giải quyết khi hồ chứa nước ngọt trên hòn Củ Tron sắp hoàn thành. Chia tay Nam Du trong buổi chiều tắt nắng. Dưới ánh hoàng hôn, Nam Du đẹp và tràn sức sống, hứa hẹn bừng sáng ngày mai.
Kỳ cuối: Điểm tựa lòng dân trên biển Tây Nam