Ma túy đang là vấn nạn gây nhức nhối cho toàn xã hội, làm tan nát bao gia đình, phát sinh tội phạm và hủy hoại sức khỏe, tính mạng của con người. Người nghiện ma túy là nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất, thông qua việc dùng chung bơm kim tiêm trong quá trình tiêm chích ma túy.

Lao động cũng góp phần làm cho người nghiện quên ma túy.
Ảnh: Minh Thơ
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện tại, toàn tỉnh Bến Tre có 1.709 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có gần 50% là người nghiện ma túy. Người nhiễm HIV/AIDS trong giai đoạn cuối luôn sống trong nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, sức khỏe suy kiệt nghiêm trọng và cuối cùng là đón nhận một cái chết được báo trước. Anh Huỳnh Văn Th. (xã Sơn Định - Chợ Lách) đã chết cách đây hơn 2 năm vì căn bệnh thế kỷ. Với hy vọng tìm được cơ hội đổi đời, anh đã bỏ lại cha mẹ già để lên TP. Hồ Chí Minh kiếm sống. Nhưng thay vì chăm chỉ làm việc hay học nghề, Th. lại giao du với những người vô công rỗi nghề, hút chích. Sau thời gian “kết bạn” với ma túy, Th. trở về nhà với thân hình tàn tạ cùng căn bệnh AIDS. Cách nhà Th. không xa, có một gia đình cũng đang gánh chịu nỗi đau tương tự. Bốn năm trước, vợ chồng bà Nguyễn Thị Th. cũng phải đau đớn nhìn con trai vĩnh viễn ra đi vì bệnh AIDS. Trước kia, do cuộc sống khó khăn, nên ông bà chỉ lo việc mưu sinh mà quên đi trách nhiệm quản lý, giáo dục con cái. Đây chính là điều kiện để Nguyễn Tấn S. - con trai út của ông bà, chơi bời, lêu lỏng, rồi lao vào sử dụng ma túy. Và hậu quả là S. đã bị lây nhiễm HIV. Đến khi căn bệnh thế kỷ trong người S. ở giai đoạn cuối, thì vợ chồng bà Th. mới biết. Xót xa, ân hận, thầm trách bản thân mình nhưng ông bà cũng không thể làm gì khác hơn khi chứng kiến S. đã trút hơi thở cuối cùng ở độ tuổi 25. Số phận còn nghiệt ngã hơn đối với chị Phạm Thị T. (xã Long Thới - Chợ Lách), một phụ nữ nông thôn hiền lành, chất phác. Cuộc sống của chị cũng thật đơn giản với công việc nội trợ và chăm sóc con cái để chồng yên tâm đi lao động làm thuê. Vậy mà chồng chị bị nhiễm HIV, do tiêm chích ma túy. Chít trên đầu chiếc khăn tang, đứa bé gái mới hơn một tuổi đầu vẫn không thể hiểu được vì sao như vậy. Chỉ tội cho đứa bé nhiều hơn, khi kết quả xét nghiệm chị T. dương tính với HIV. Vượt lên nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, ngày ngày, chị T. vẫn nhận đan bội gia công để kiếm sống, nhưng con mình sẽ ra sao khi nó mồ côi cả cha lẫn mẹ?!
Nguyễn Hoàng Nhâm (SN 1983, ngụ tại xã Mỹ Thạnh An - TP. Bến Tre) vừa bị Công an TP. Bến Tre bắt quả tang ngày 25-3-2012, khi đang bán 2 tép heroin cho một con nghiện. Khám xét nơi ở của Nhâm, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 92 tép heroin. Tại cơ quan điều tra, Nhâm khai nhận, vì muốn có tiền tiêu xài nên đã mua ma túy từ TP. Hồ Chí Minh về bán lại kiếm lời. Hành vi phạm tội của Nhâm rồi sẽ bị luật pháp trừng trị, nhưng nỗi đau mà y gieo rắc liệu có bù đắp được không?
Ma túy tuy là con đường dẫn đến HIV/AIDS, nhưng nếu biết dừng lại trước khi quá muộn thì người nghiện vẫn còn cơ hội làm lại cuộc đời. Hiện nay, việc ứng dụng những tiến bộ y học kết hợp với nhiều hình thức cai nghiện hiệu quả, người nghiện ma túy hoàn toàn có thể thoát khỏi sự mê hoặc của “nàng tiên nâu”, tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội.