Hệ thống pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn chồng chéo

17/08/2017 - 07:22
Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV (Ảnh: TTXVN)

 

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, chiều 16-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.​

 

 

Trình bày tóm tắt Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong giai đoạn 2011-2016, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.

Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện chủ trương đổi mới. Từ năm 2011 - 2016, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được rà soát để phân định rõ thẩm quyền của từng cơ quan, khắc phục những vấn đề còn chồng chéo, giao thoa hoặc bỏ trống. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ tiếp tục được giữ ổn định, không tăng bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ.

Từ năm 2007 đến nay, cơ cấu tổ chức của Chính phủ đã được sắp xếp theo hướng thu gọn đầu mối, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng từng bước được sắp xếp giảm dần đầu mối, bước đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chủ ở một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, dẫn đến tình trạng “Bộ trong Bộ”. Việc phân loại địa phương chưa phù hợp, chậm đổi mới nên cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương mà cơ bản vẫn được tổ chức đồng nhất như nhau. Việc quản lý biên chế công chức tại một số Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nghiêm, cơ cấu công chức chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu...

Đồng ý với nội dung Báo cáo giám sát, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân nhận xét, hiện nay Bộ máy hành chính của chúng ta còn cồng kềnh, hoạt động chưa hiệu quả. Bộ trưởng lấy ví dụ ở lĩnh vực tổ chức và quản lý biên chế, chúng ta có 3 cơ quan quản lý, đó là Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ. “Như vậy, trong một đất nước mà có tới 3 cơ quan quản lý về tổ chức và biên chế thì cũng nên nghiên cứu  lại”, Bộ trưởng cho biết.

Về mô hình của các Trung tâm hành chính công, Bộ trưởng cũng cho hay, hiện nay Chính phủ cho thí điểm làm mô hình Trung tâm hành chính tập trung trực thuộc của UBND tỉnh. Chủ yếu mô hình này nằm ở Văn phòng UBND cấp tỉnh, nằm ở Sở Nội vụ các tỉnh. Với mô hình này theo Bộ trưởng không thể áp dụng nhất quán cả 63 tỉnh thành. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội không thể thành lập Trung tâm hành chính công. Bởi vậy, nên phân cấp ở quận, huyện, như vậy sẽ hợp lý hơn.

Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập, đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong giai đoạn 2016 - 2020, phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thể, gắn trực tiếp với công tác cải cách hành chính và việc đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng. Đồng thời, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, quyền hạn và trách nhiệm…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, những nhận định, đánh giá và kiến nghị của Đoàn giám sát cần đặt trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan Đảng đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, trong đó có nội dung rất quan trọng là thảo luận và dự kiến ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chuẩn bị ra kết luận về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng, nội dung Báo cáo kết quả giám sát phải đưa ra được những kiến nghị, những tư duy mới về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước để đề xuất với Trung ương, với Quốc hội.

 

Theo ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN