 |
Nỗi vất vả của các thầy thuốc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Ảnh: H. Vũ |
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu hiện có 30 giường bệnh, 45 nhân viên y tế gồm 9 bác sĩ, 36 điều dưỡng.
Về nguyên tắc, bác sĩ và điều dưỡng
làm việc theo ca, kíp phân công trực liên tục 24/24 giờ. Khác với các khoa lâm
sàng, điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cứ hai tiếng đồng hồ phải
cập nhật tình trạng sức khỏe của những ca bệnh nặng vào hồ sơ bệnh án một lần,
còn bệnh nhẹ hơn thì 4 tiếng/lần. Công việc của các bác sĩ ở đây vừa nhận bệnh
từ Khoa Cấp cứu và Khoa Khám bệnh vừa xử trí hồi sức ca nặng tại chỗ và phải lọc
các nhóm bệnh đã hồi phục đưa sang các khoa khác. Nhiều lúc bác sĩ trực vừa phải
cấp cứu một ca nặng và các ca khác cũng diễn biến nặng lên, khiến cho công việc
căng thẳng, liên tục. Trước cường độ, áp lực công việc như vậy, nếu không có
lòng yêu nghề, tình yêu thương người bệnh, sự nhẫn nại và chịu đựng thì người
thầy thuốc ở đây khó lòng bám trụ.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ
Nguyễn Thị Linh Nga cho biết: Ở đây chủ yếu là người bệnh nặng, bệnh tật hiểm
nghèo, tính mạng luôn bị đe dọa… Không kể ngày đêm, y bác sĩ trong khoa luôn
chuẩn bị với tư thế sẵn sàng chờ bệnh nhân tới.
Để đảm bảo an toàn cho người bệnh,
công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Người bệnh
được chăm sóc gần như toàn diện, mọi việc liên quan tới điều trị, chăm sóc,
nuôi dưỡng, vệ sinh… đều do các bác sĩ và điều dưỡng đảm nhiệm. Khi qua giai đoạn
nguy hiểm, tính mạng không bị đe dọa, người bệnh mới được chuyển tới các chuyên
khoa khác trong bệnh viện. Với đặc thù công việc như vậy nên không khí làm việc
trong khoa luôn khẩn trương, khoa học và chính xác.
Hàng ngày, sau buổi giao ban, tập
thể bác sĩ và điều dưỡng của khoa phân công mỗi người một việc: thăm khám, đánh
giá tiên lượng, chỉ định điều trị, chăm sóc hỗ trợ… Tập thể khoa luôn nêu cao
tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt 12 điều y đức, đề cao quy tắc ứng xử với
người bệnh, không gây phiền hà, sách nhiễu đối với người bệnh và gia đình người
bệnh, tạo tâm lý thoải mái giúp cho người bệnh tin tưởng điều trị.
“Áp lực lớn, trách nhiệm cũng nặng
nề, đội ngũ cán bộ của khoa còn trẻ, nhiều người đã lập gia đình nhưng phải gác
lại chuyện riêng để hết lòng phục vụ người bệnh và luôn làm tốt công việc bằng
trách nhiệm và sự nhiệt tình của mình. Luôn ân cần, niềm nở, chăm sóc bệnh nhân
như người thân của mình, chính vì vậy hầu hết người bệnh đến điều trị tại khoa
đều cảm thấy hài lòng và tin tưởng” - bác sĩ Linh Nga tâm sự.
Hiện nay, Khoa Hồi sức tích cực -
Chống độc có thể thực hiện được nhiều kỹ thuật giúp hồi sức và chăm sóc về hô hấp
và tuần hoàn như: thở máy, đặt cathete; đặt nội khí quản; đặt huyết áp động mạch
xâm lấn; lọc máu liên tục tại giường; sử dụng tia X di động; sốc điện; bơm tiêm
điện… Nhờ đó, việc cấp cứu người bệnh được thực hiện kịp thời, nhanh chóng,
chính xác, hạn chế thấp nhất các rủi ro, đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu đối
với những trường hợp nguy kịch.
Bác sĩ, điều dưỡng của khoa luôn
được đào tạo và đào tạo lại để có thêm kiến thức mới, nâng cao chất lượng điều
trị và chăm sóc cho bệnh nhân. Khoa cũng là nơi chịu trách nhiệm huấn luyện, tập
sự lại cho các bác sĩ trẻ mới về nhận công tác tại bệnh viện; sẵn sàng hỗ trợ đồng
nghiệp ở các khoa, phòng trong bệnh viện và bệnh viện tuyến huyện trong việc hội
chẩn, tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nặng.
Niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất
của người thầy thuốc là giành lại sự sống cho bệnh nhân. Nhìn những ánh mắt
sáng ngời niềm tin và đầy nghị lực cùng với nụ cười hiền hòa nở trên môi của những
người thầy thuốc nơi đây khiến lòng tôi thêm ấm áp. Tôi chợt nhớ đến lời dạy của
Bác Hồ dành cho người thầy thuốc: “Lương y phải như từ mẫu” là thế ấy.