Hiểu đúng việc nhận diện sự suy thoái trong nội bộ Đảng

21/12/2016 - 06:41

Hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh đang tập trung triển khai tổ chức học tập quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (sau đây gọi là Nghị quyết) theo chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy. 

Song để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả 27 biểu hiện nêu trong Nghị quyết, vấn đề đầu tiên, rất quan trọng, nếu không nói là mang tính quyết định là phải nhận diện đúng những biểu hiện đó.

Suy thoái từ tư tưởng chính trị

Thật ra, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ ra cách đây 5 năm; lần này được Nghị quyết thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Đại biểu dự hội nghị quán triệt việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2016 và nội dung sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW. Ảnh: T. Long

Trước hết, chúng ta cần hiểu: Suy thoái là gì? Tùy theo cách tiếp cận, ngữ cảnh sẽ có cách hiểu khác nhau về suy thoái (suy thoái kinh tế, suy thoái môi trường…). Có thể hiểu chung nhất: Suy thoái là suy yếu và sút kém dần, có tính chất kéo dài. Hiểu cách khác: Suy thoái là sự yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay chính bản thân con người và tổ chức xã hội của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Trong thế giới cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng biến hóa. Có cái thì biến hóa tiến bộ lên, tức là phát triển; có cái thì biến hóa lạc hậu đi, tức là suy thoái”.  

Cũng như phát triển, suy thoái bao giờ cũng mang tính bản chất, tính tổng thể của sự vật, hiện tượng, quá trình hay con người và tổ chức. Đối với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, từ suy thoái về mặt này dẫn đến hay tất yếu sẽ kéo theo sự suy thoái mặt khác, làm hư hỏng, làm biến chất cán bộ, đảng viên và làm hỏng mọi việc của cá nhân và tổ chức.

Thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị? Đó là sự phai nhạt lý tưởng, niềm tin vào mục tiêu, con đường mà Đảng ta đã lựa chọn; nghi ngờ vai trò cũng như năng lực lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Suy thoái về tư tưởng chính trị còn là việc không chịu rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, không sát thực tiễn nên giáo điều, rập khuôn, máy móc… đã được nêu cụ thể trong 9 biểu hiện trong Nghị quyết.

Đạo đức, lối sống…

Thế nào là suy thoái về đạo đức, lối sống? Tương tự, 9 biểu hiện nêu trong Nghị quyết đã thể hiện rất cụ thể; sự suy thoái về đạo đức, lối sống còn thể hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, tham quyền lực, bè phái cục bộ, mất đoàn kết, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Tuy nhiên, một số người cứ căn cứ vào các biểu hiện nêu trong Nghị quyết, rồi cho rằng mình “chưa có hoặc không có” những biểu hiện đó. Cũng đúng nhưng chưa đủ. Vì trong phạm vi Nghị quyết, không thể nêu tất cả những cấp độ, mức độ khác nhau của những biểu hiện suy thoái, mà từng tổ chức, cá nhân phải rà soát, đối chiếu, soi rọi lại xem mình có ở mức độ nào. Chẳng hạn, trong các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, nếu cho rằng mình không “lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (biểu hiện thứ 3), nhưng có nghiêm túc, chịu khó đầu tư nghiên cứu, nắm, hiểu các chủ trương, nghị quyết, pháp luật để vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ chưa; nói rằng không có biểu hiện “Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng…, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao” (biểu hiện thứ 4), nhưng khi tổ chức phân công thì “chọn việc dễ, buông việc khó”, kèn cựa địa vị, không duy trì tốt chế độ sinh hoạt; trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ thì tinh thần trách nhiệm không cao, làm việc qua loa, đại khái, kết quả còn hạn chế mặt này, mặt khác; hay các biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh trong phê bình; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo, nói trong hội nghị khác (hoặc không nói), nói ngoài hội nghị khác (biểu hiện thứ 6). Trong các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, nếu cho rằng không “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” (biểu hiện thứ 2), nhưng cấp dưới chấp hành chỉ đạo của cấp trên không nghiêm, cá nhân không phục tùng tổ chức, tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”, đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, dân chủ hình thức, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành… cũng chính là biểu hiện suy thoái; hay có mắc bệnh “thành tích” không, có quan liêu, thiếu sâu sát cơ sở, sâu sát công việc, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị không,…? (biểu hiện thứ 5); làm lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, đất đai, tài nguyên; phân công, bố trí cán bộ không phù hợp, không phát huy được (lãng phí nguồn nhân lực), đi trễ, về sớm, hội họp nhiều nhưng chất lượng không cao… (phí phạm thời gian lao động) (biểu hiện thứ 6)… cũng đều là biểu hiện suy thoái. 

Tự diễn biến, tự chuyển hóa

Tự diễn biến, tự chuyển hóa là gì? Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hóa là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”. Theo nghĩa thông thường thì “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là một quá trình sự vật tự thay đổi về chất. Nhưng các khái niệm “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” được sử dụng trong văn kiện của Đảng và trên sách báo chính trị - xã hội ở nước ta không theo nghĩa như vậy, mà theo nghĩa là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của cán bộ và đảng viên. 

Từ “tự diễn biến”, đến một mức độ nào đó sẽ chuyển sang “tự chuyển hóa”; từ “tự diễn biến” từng người đến “tự diễn biến” cả đội ngũ; từ “tự chuyển hóa” từng người đến “tự chuyển hóa” cả một tổ chức, nếu chúng ta không có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi hữu hiệu. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra từ bên trong từng con người và bên trong từng tổ chức. Theo đó, việc xác định nguyên nhân của quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải đi tìm nguyên nhân từ chính trong con người, trong tổ chức là chủ yếu. Tuy nhiên, không thể không tính đến những nguyên nhân bên ngoài, sẽ cùng với các nguyên nhân bên trong tạo nên “hợp lực” thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã cho chúng ta một sự nhận diện khá đầy đủ, sắc nét về thực trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta là: nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Nhận diện đúng là để qua đó mỗi cá nhân và tổ chức trong Đảng có thể tự soi mình. Muốn phòng chống và khắc phục có hiệu quả, mỗi tổ chức và từng người cần phải nhận diện đúng, trúng những biểu hiện với mức độ, cấp độ khác nhau, vì có “bắt trúng mạch”, “chẩn đoán trúng bệnh” thì mới có thể “kê đơn”, “bốc thuốc” cho trúng nhằm chữa khỏi bệnh, cứu người.

Nhận diện đúng là để suy ngẫm và hành động. Không phải để bi quan hay nhụt chí, mà là để sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mới rất quyết liệt trong thời gian tới, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.


Bùi Văn Bia (Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN