Hiệu quả từ Dự án nuôi vịt an toàn sinh học

08/03/2012 - 15:37

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm, vào đầu năm 2010, Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam xây dựng Dự án nuôi vịt an toàn sinh học cho 12 hộ dân ở xã An Ngãi Trung và An Hiệp.

Trong đó, xã An Ngãi Trung có 4 hộ, xã An Hiệp có 8 hộ tham gia Dự án. Sau 2 năm thực hiện, Dự án đã mang lại hiệu quả cao không chỉ về kinh tế mà còn tích cực góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm…

Hộ anh Trần Tấn Tài, ngụ tại ấp An Thạnh 1 - xã An Ngãi Trung nuôi 500 con vịt đẻ giống Bắc Kinh. Vịt giống được anh chọn từ cơ sở ấp trứng có uy tín và được kiểm dịch. Đàn vịt được anh Tài nuôi trong ao khép kín được bao bọc bởi hàng rào bằng lưới xung quanh, với diện tích 1.600m2. Cổng ra vào chuồng trại có hố sát trùng nhằm phòng, chống dịch bệnh lây lan. Chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi được sát trùng thường xuyên theo định kỳ mỗi tuần 1 lần. Nước trong ao nuôi được thay đổi thường xuyên. Trước khi cho vào ao nuôi, nước được xử lý qua ao lắng và được sát trùng. Nguồn nước thải cũng được xử lý và lắng, lọc trước khi đưa ra môi trường bên ngoài. Chuồng trại và khu vực thả nuôi được dọn dẹp thông thoáng.

Trong quá trình nuôi, anh Trần Tấn Tài rất quan tâm đến khâu phòng bệnh. Khi bắt vịt về 3 ngày, anh cho vịt uống kháng sinh và ủ ấm bằng bóng đèn điện. Trong những ngày đầu, đàn vịt được chia thành 4 nhóm để tránh bị chèn ép. Đến 8 ngày tuổi, thì vịt được anh tiêm ngừa bệnh viêm gan; đến 21 ngày tuổi, vịt được tiêm phòng bệnh cúm A/H5N1 lần 1, tiêm phòng dịch tả; 45 ngày vịt được tiêm phòng bệnh cúm A/H5N1 lần 2 và đến 60 ngày tuổi, vịt được tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng. Công tác tiêm phòng dịch bệnh được tiến hành thường xuyên theo đúng định kỳ. Nhờ vậy, đàn vịt của anh Tài sinh trưởng mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Qua thời gian 14 tháng nuôi, anh Tài bán vịt và thu được 225 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, anh Tài thu lãi gần 39 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng ao nuôi vịt để nuôi cá. Với hình thức này, anh đã giảm được chi phí thức ăn cho cá và còn thu lãi từ ao cá khoảng 17 triệu đồng.

Cũng là người tham gia Dự án nuôi vịt an toàn sinh học, hộ ông Trần Văn Hồi ngụ tại ấp An Thạnh 1 - xã An Ngãi Trung thực hiện mô hình vịt đẻ - cá - lúa, với diện tích 11.000m2 (10.000m2 đất lúa và 1.000m2 đất vườn). Kỹ thuật nuôi vịt được thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn, đàn vịt của ông Hồi phát triển tốt, không bị bệnh dịch. Khi vịt còn nhỏ, ông Hồi thả vịt vào ruộng lúa. Với cách làm này, ông đã tiết kiệm khá lớn về chi phí thức ăn cho vịt, cá và thuốc bảo vệ thực vật trên lúa. Qua thời gian thực hiện gần 2 năm, mô hình vịt đẻ - cá, lúa của hộ ông Hồi thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Trong đó, lãi từ đàn vịt là 65 triệu đồng. Bên cạnh hiệu quả kinh tế đạt được khá cao, mô hình còn mang lại hiệu quả về môi trường. Nước thải trong mô hình nuôi vịt an toàn sinh học của hộ ông Hồi được đưa lên ruộng lúa, vừa làm phân bón cho lúa, đồng thời được lắng, lọc trước khi cho ra kênh rạch, nên tránh được tình trạng ô nhiễm.

Nghề nuôi vịt tại huyện Ba Tri có từ rất lâu và phát triển khá mạnh. Đàn vịt trong toàn huyện luôn ổn định (trên 500 ngàn con). Thành công từ Dự án nuôi vịt an toàn sinh học tại hai xã An Ngãi Trung và An Hiệp là tiền đề quan trọng để nghề nuôi vịt tại huyện Ba Tri phát triển bền vững.

MINH ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích