Hiệu quả từ mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn

03/10/2013 - 16:37

Ông Lê Vũ Minh - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước (Bình Đại) cho biết: Ngay sau khi có sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, xã đã xác định việc thực hiện Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ” là một trong những nhiệm vụ then chốt của xã để tiến tới xây dựng thành công xã nông thôn mới.

Theo đó, xã tiến hành rà soát đối tượng, nhu cầu nghề của người lao động tại địa phương; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức dạy nghề theo phương châm “Đúng người, đúng nghề và đầu ra ổn định”. Trong 2 năm qua, xã phối hợp tổ chức mở lớp may công nghiệp, lớp sửa chữa máy nổ và lớp chăn nuôi thú y cho 80 học viên. Trong đó, có 19 hộ nghèo tham gia học nghề và được hỗ trợ kinh phí trên 15 triệu đồng. Sau khi được đào tạo nghề, các học viên phát huy tốt nghề đã học vào thực tế, tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, sau khi tham gia học nghề, có 15 hộ thoát nghèo bền vững, đạt 78,9%.

Bà Trần Thị Tranh, ấp 3, sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y tại xã, phấn khởi nói: Trước khi tham gia lớp học nghề, tôi đầu tư nuôi heo thịt với số lượng từ 2 đến 5 con. Sau khi nắm vững các kỹ thuật phối giống, chăm sóc heo sinh sản và heo giống, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi heo sinh sản và nuôi heo giống. Từ đó, đàn heo ngày một nhiều và lợi nhuận từ việc nuôi heo cũng khá hơn trước. Ngoài ra, được sự khuyến khích của UBND xã, hiện nay, bà Tranh chăn nuôi theo mô hình khép kín làm hầm Biogas, sử dụng trong gia đình. Hiện nay, bà Tranh đã thoát nghèo, đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang.

Ngoài ra, sau khi tổ chức lớp may công nghiệp, xã Thạnh Phước thành lập được 2 tổ may công nghiệp và 1 tổ may kết cườm. Các đối tượng chủ yếu là lao động nữ nông thôn, không có việc làm, không có thu nhập ổn định. Khi mới thành lập tổ, Trung tâm dạy nghề huyện hỗ trợ 5 máy may công nghiệp. Đến nay, Tổ đã hoàn trả lại 5 máy cho Trung tâm và trang bị 10 máy may công nghiệp mới. Các tổ may công nghiệp, tổ may kết cườm đã thu hút khoảng 65 chị em phụ nữ xã. Chị Nguyễn Thị Gởi, ấp 5 xã Thạnh Phước cho biết: Nhờ lớp may công nghiệp, chị may thành thạo các sản phẩm và có việc làm ngay tại địa phương. Từ công việc may, mỗi người có thu nhập từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày. Các chị còn có thời gian gần gũi chăm sóc gia đình.

Ông Lê Vũ Minh cho biết thêm: Trong thời gian tới, xã Thạnh Phước tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Đề án dạy nghề 1956, tăng cường công tác khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của nhân dân tại địa phương để đăng ký các lớp học nghề đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Từ nay đến năm 2015, xã Thạnh Phước sẽ mở 5 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại xã, trong đó có 4 lớp dạy nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, như: sửa chữa máy nổ, may công nghiệp, xây dựng và điện dân dụng.

Tuyết Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN