Hiệu quả từ mô hình nông dân dạy nông dân

06/03/2020 - 08:03

BDK - Những năm qua, Dự án AMD Bến Tre do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD đã thực hiện hiệu quả các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Năm 2018, dự án triển khai thực hiện thí điểm nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH bằng quỹ xoay vòng theo hình thức nông dân dạy nông dân. Qua 1 năm thực hiện, mô hình được đánh giá hiệu quả, giúp người dân vươn lên, ổn định cuộc sống.

Mô hình nuôi thỏ thương phẩm tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm.

Mô hình nuôi thỏ thương phẩm tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm.

Mô hình nông dân dạy nông dân do Dự án AMD Bến Tre phối hợp với Hội Nông dân và các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tuy mới, nhưng khi áp dụng đã mang lại kết quả thiết thực. Trước hết, các thành viên phụ trách hướng dẫn trong tổ hợp tác (THT) đã trải qua thực tiễn, chăn nuôi thành công tại gia đình, nên khi truyền đạt sẽ dễ hiểu, giống như hình thức cầm tay chỉ việc, đặc biệt là nông dân được học hỏi trực tiếp tại mô hình, sẽ giúp các thành viên tiếp thu nhanh, đỡ mất thời gian hơn.

Qua thời gian triển khai mô hình, xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm đã mạnh dạn thành lập nhiều THT trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó, mô hình nuôi thỏ sạch triển khai vào đầu năm 2019, được đánh giá hiệu quả, dễ thực hiện nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo, vì vốn đầu tư ít, thức ăn dễ tìm, thỏ giống sinh sản nhanh, dễ tiêu thụ. Đặc biệt là các thành viên trong THT đã liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình.

Để thực hiện mô hình, Hội Nông dân xã Lương Phú đã khảo sát, lựa chọn 11 thành viên đủ điều kiện tham gia. Đây là những hộ chí thú làm ăn, có diện tích đất làm chuồng và đủ điều kiện đối ứng bằng ngày công lao động. Theo anh Nguyễn Hoàng Lâm - Tổ trưởng THT nuôi thỏ, lựa chọn mô hình này vì thỏ dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là rau củ, quả, cỏ, lá cây. Đặc biệt, sản phẩm thỏ thịt có đầu ra khá ổn định do các thành viên trong THT đã liên kết và ký hợp đồng với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Tháng 3-2019, Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ với tổng số tiền gần 98 triệu đồng, mỗi thành viên tham gia được hỗ trợ 7 con thỏ nái và 1 con thỏ đực, cùng chi phí làm trại nuôi, lồng kẽm và thức ăn trong thời gian 1 năm. Về kỹ thuật nuôi, các thành viên trong THT cùng hướng dẫn qua lại nên rất thuận lợi. Việc chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh được các hộ nuôi tuân thủ theo đúng kỹ thuật, từ đó sản phẩm đạt yêu cầu, giảm tỷ lệ hao hụt. Sản phẩm thỏ thịt nuôi theo quy trình sạch được bán với giá từ 58 - 66 ngàn đồng/kg, đảm bảo có lời cho người nuôi. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi tháng, một thành viên lời khoảng 1,2 triệu đồng.

Tham gia mô hình nông dân dạy nông dân nuôi thỏ sạch, bà Đặng Thị Hồng Lạc, ấp Xẻo Sâu, xã Lương Phú cho biết: “Ban đầu, gia đình tôi chưa có kinh nghiệm nên rất lo lắng về kỹ thuật, sợ nuôi không đạt yêu cầu. Thỏ là vật nuôi ít bị dịch bệnh, thời gian sinh sản nhanh, bình quân mỗi năm khoảng 6 lứa; một con thỏ nái giống sinh sản được 6 - 10 thỏ con mỗi lứa”.

Ông Lê Văn Răng, một hộ cận nghèo ấp Xẻo Sâu cho biết, từ 8 con giống được dự án hỗ trợ, ông đã nuôi thành công và nhân đàn gần 200 con. Ông xuất bán  được 5 đợt với hơn 100 con. Ngoài bán thỏ thịt, nguồn phân thỏ còn được xử lý với men vi sinh làm phân hữu cơ, bón cho các loại rau màu, cây trồng để bán tăng thêm thu nhập.

Được biết, đàn thỏ của THT từ 88 con ban đầu nay đã tăng lên gấp nhiều lần. Tham gia mô hình giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế. Các hộ nuôi cam kết luân chuyển, giao 88 con thỏ giống cho những hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, THT cũng trích ra số tiền 100 ngàn đồng/tháng gây quỹ tương trợ giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và mua con giống tái sản xuất. Ngoài ra, mỗi lứa xuất bán, các thành viên còn trích 5% lợi nhuận làm quỹ xoay vòng cho các thành viên mượn mua thức ăn, đầu tư thêm chuồng trại...

Mô hình nông dân dạy nông dân nuôi thỏ sạch tại xã Lương Phú đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, là hướng đi mới giúp nông dân ở vùng nông thôn chăn nuôi thành công. Đây cũng là mô hình thích ứng với BĐKH, thân thiện với môi trường.

Bài, ảnh: Tiến Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN