 |
Một mô hình nuôi cá tra xuất khẩu. Ảnh: H.H |
Bến Tre có nhiều cồn bãi, sông ngòi chằng chịt, đất phù sa, nước ngọt quanh năm. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi thủy sản dưới nhiều hình thức, nhiều đối tượng, đặc biệt là các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, Bến Tre tập trung phát triển 2 đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt là cá tra, tôm càng xanh, cùng một số đối tượng có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Đối với nghề nuôi cá tra xuất khẩu
Trong năm 2009, diện tích thả cá tra giống 710 ha, đạt 129% so với kế hoạch, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2008, tổng sản lượng 90.000 tấn. Nhìn chung, cá nuôi phát triển tốt, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn thường xuyên xuất hiện dù không gây thiệt hại nghiêm trọng. Một số bệnh thường gặp như: gan thận có mủ, xuất huyết, phù đầu, trắng gan, trắng mang. Do chi phí thức ăn, thuốc tăng cao, trong khi giá cá thương phẩm tăng không đáng kể, người nuôi không có lãi. Các hộ nuôi có quy mô nhỏ, không liên kết được với nhà máy chế biến, đã cho thuê hoặc chuyển nhượng diện tích nuôi cho các doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Vì thế, diện tích nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, nhằm tạo tiếng nói chung trong dây chuyền sản xuất, ngành thủy sản Bến Tre đã xây dựng và triển khai mô hình Tổ sản xuất liên kết cá tra bền vững. Mục tiêu của mô hình là tạo sự gắn kết giữa người nuôi, nhà máy chế biến với các cơ sở dịch vụ, nhằm giúp người nuôi có thêm nguồn vốn, sản xuất đúng qui trình kỹ thuật, định ra giá sàn nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm để người nuôi an tâm sản xuất, nhà máy có nguồn nguyên liệu ổn định, tạo thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần vào sự phát triển chung của nghề nuôi thủy sản.
Với nghề nuôi tôm càng xanh
Đến nay, diện tích nuôi tôm càng xanh vùng nước ngọt 2.400 ha, đạt 104% kế hoạch năm, sản lượng đạt 2.000 tấn. Nghề nuôi tôm càng xanh phát triển mạnh nhất ở các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành và một số xã thuộc Bình Đại, Chợ Lách, thành phố Bến Tre. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi chuyên canh trong ao đất, nuôi xen trong mương vườn dừa, vườn cây ăn trái và trên ruộng lúa. Qui mô nuôi chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông mặt nước. Một số hộ đã xây dựng được mô hình nuôi chuyên canh và bán thâm canh. Năng suất tôm nuôi xen canh từ 150 đến 200 kg/ha, tôm nuôi bán thâm canh đạt năng suất từ 500 đến 700 kg/ ha mặt nước. Thời gian qua, giá tôm càng xanh thương phẩm luôn ổn định ở mức cao, trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người nuôi. Theo tính toán của người dân, nếu kết hợp trồng dừa, nuôi xen tôm càng xanh thì có khả năng đạt nguồn thu 50 triệu đồng/ha/năm. Nghề nuôi tôm càng xanh đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.
Những loại thủy sản nước ngọt khác
Phong trào nuôi cá rô đồng thâm canh và bán thâm canh ở Bến Tre phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện tại, toàn tỉnh có hàng chục ha nuôi các loài thủy sản này. Trong đó, xã Phú Lễ (Ba Tri) có 20 ha mặt nước nuôi cá rô đồng thâm canh. Nếu nuôi ở mật độ từ 30 đến 40 con/m2, thì tổng chi phí đầu vào cho 1 kg cá thương phẩm từ 17.000 đến 20.000 đồng. Nếu giá bán cá thịt bình quân 28.000 đồng/kg, thì người nuôi lãi từ 9.000 đến 11.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, hầu hết các hộ nuôi đều thu hoạch lợi nhuận cao. Bình quân mỗi ha mặt nước nuôi cá rô thâm canh cho năng suất 5 đến 6 tấn, thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, còn lãi từ 50 đến 60 triệu đồng. Hiệu quả từ nghề nuôi cá đồng thâm canh đã góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, vấn đề con giống và kỹ thuật canh tác còn gây nhiều trở ngại cho người nuôi.
Cá lóc bông cũng đang là đối tượng nuôi thích hợp và có giá trị kinh tế cao ở vùng sinh thái ngọt của Bến Tre. Nếu nuôi cá lóc bông thâm canh ở mật độ 20 con/m2, thì sau thời gian 8 tháng nuôi, cá sẽ đạt kích cỡ thương phẩm bình quân 1kg/con. Tổng chi phí đầu vào cho 1 kg cá thương phẩm khoảng 20.000 đồng. Với giá bán cá thịt bình quân 30.000 đồng/kg, người nuôi lãi 10.000 đồng/kg. Từ đầu năm 2009 đến nay, hầu hết các hộ nuôi đều có lãi, bình quân mỗi ha mặt nước nuôi cá lóc bông thâm canh (tỷ lệ sống 75%) sẽ cho năng suất khoảng 15 tấn, trị giá 450 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lãi khoảng 150 triệu đồng. Theo đánh giá của cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre, cá lóc bông thích nghi tốt với môi trường, tăng trọng nhanh và tương đối đồng đều. Đây là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi theo qui mô hộ gia đình và kinh tế trang trại. Ngành nông nghiệp Bến Tre đang khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi cá lóc bông trong nhân dân.
Hiệân nay, Bến Tre đang phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Toàn tỉnh có 68 lồng bè, với tổng thể tích đạt 9.639 m3, tập trung nhiều nhất trên tuyến sông Tiền, thuộc các xã: Tân Thạch, Phú Túc và An Khánh (Châu Thành). Đối tượng nuôi chủ yếu là cá điêu hồng và cá phi dòng gift. Mật độ thả nuôi trung bình từ 200 đến 220 con/m3, năng suất đạt từ 80 đến 90 kg/m3. Theo cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp, nghề nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế khá và có khả năng nhân rộng, nhưng người dân còn gặp khó khăn vì vốn đầu tư lớn và trình độ kỹ thuật còn hạn chế.
Ngoài ra, một số đối tượng thủy sản nuôi truyền thống ở vùng nước ngọt phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và cải thiện đời sống người dân đang được duy trì nuôi dưới nhiều hình thức. Một số đối tượng thủy sản mới có giá trị kinh tế cao cũng đang được nuôi thử nghiệm như cá bống tượng, cá chình, cá lò tho, ba ba, cá thát lát cờm, cá lăng vàng… Bên cạnh đó, tiềm năng mặt đất, mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt ở Bến Tre vẫn còn khá lớn, nhất là các cồn nổi, bãi bồi và thủy vực có nhiều khả năng phát triển nuôi thủy sản với nhiều đối tượng, nhiều loại hình và qui mô sản xuất theo hướng hàng hóa phục vụ chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, định hướng cho nghề nuôi thủy sản nước ngọt của Bến Tre vẫn tập trung vào hai đối tượng chính là cá tra và tôm càng xanh.