Hướng đến xây dựng địa phương khởi nghiệp, bài 1:

Hình thành cộng đồng khởi nghiệp

09/09/2019 - 06:47

BDK - Mục tiêu hình thành cộng đồng khởi nghiệp (KN) bắt đầu từ nỗi trăn trở của lãnh đạo Tỉnh ủy về việc mãi sau hơn 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bến Tre vẫn là một địa phương còn nghèo so với các tỉnh bạn, với hàng chục ngàn hộ nghèo vẫn đang cần vòng tay nâng đỡ của xã hội. Với ý chí, niềm tin và khát vọng sau 5, 10 năm nữa, Bến Tre không còn hộ nghèo và chuyển từ tâm thế “xin” sang “cho”. Con người vùng đất ba dải cù lao dần xây dựng, hình thành môi trường văn hóa KN, cộng đồng KN dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân đương đầu vượt qua mọi khó khăn để làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của mình.

Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc

Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc

Thay đổi lớn trong tư duy khởi nghiệp

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo trăn trở rằng: Tôi thấy đau khi sau mấy mươi năm giải phóng, tỉnh vẫn còn là địa phương nghèo, phải chìa tay ra xin, nhận quà từ các hoạt động từ thiện ở các nơi. Muốn thay đổi số phận, chúng ta phải thật sự sống có hoài bão, khát vọng vươn lên mạnh mẽ vì một Bến Tre trong tương lai không còn người nghèo. Các thế hệ con cháu của chúng ta là những người có hoài bão lớn, tư duy thoát khỏi ao làng để đưa tỉnh vươn ra tầm cao của thế giới.

Phân tích một số chỉ tiêu cụ thể để minh chứng, như về thu ngân sách, năm 2016, tỉnh xếp vị trí thứ 11 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với mức thu 1.900 tỷ đồng, thêm nguồn thu từ xổ số kiến thiết đạt gần 3.000 tỷ đồng. Vì thế, khả năng cân đối sách của tỉnh chỉ đạt 46%, còn lại 54% là cần ngân sách trung ương. Vấn đề đặt ra là sau 42 năm giải phóng, chúng ta vẫn còn nghèo, cái gì làm tăng thu ngân sách cho tỉnh?

Các chỉ tiêu còn lại, tỉnh cũng đứng sau “rất xa”. Theo cách tính mới, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 28 triệu đồng/người/năm và chưa được 70% so mức bình quân cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 còn 10,21%, tương đương 37.500 hộ nghèo. Vẫn còn một bộ phận rất lớn hộ dân sống ở mức nghèo, đó là chưa kể tỷ lệ hộ cận nghèo cũng rất lớn…

Để giải quyết các vấn đề đặt ra, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn nêu quyết tâm rằng, Bến Tre đang xếp ở vị trí thấp so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long về các chỉ tiêu kinh tế. Áp lực rất lớn cho chúng ta là phải làm sao cải thiện nó. Tất cả chúng ta phải rất nỗ lực, tập trung cho hoạt động KN và phát triển doanh nghiệp (DN). Đây là giải pháp trọng tâm giải quyết bài toán về kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Tiên phong trong cách làm

Tháng 4-2016, đồng thời với phát động Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN, Tỉnh ủy đã thành lập Hội đồng tư vấn KN và phát triển DN, do ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy (khi đó là Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy) kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn. Trong vai trò lèo lái “con tàu KN sáng tạo”, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Hội đồng tư vấn, các cơ quan thành viên của hội đồng từng bước xây dựng tỉnh hướng đến địa phương KN.

Là tỉnh tiên phong trong cả nước phát động, triển khai chương trình KN nên cái khó của tỉnh thời điểm này là chưa có một chủ trương, định hướng hay văn bản nào hướng dẫn về thực hiện KN. Khó hơn đó là nhiều người, nhiều địa phương còn rất mơ hồ về hai từ: KN. Thậm chí không ít người lắc đầu, than khó.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, định nghĩa KN theo từ “Startup” là KN đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm khác biệt, có yếu tố sáng tạo cao. Do thực tế của tỉnh là địa phương còn nhiều hộ nghèo, khái niệm KN đổi mới sáng tạo cũng mới mẻ nên chương trình được xây dựng cụ thể, với đồng thời hai mục tiêu chính là KN làm giàu và KN thoát nghèo.

Theo đó, khuyến khích nhà nhà KN, người người lập thân lập nghiệp, tự thân vươn lên thoát nghèo, dần loại bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ. Mỗi gia đình, nhà trường và cộng đồng phải quan tâm xây dựng môi trường, văn hóa KN, giáo dục, định hướng, nuôi dưỡng tinh thần KN của con em, giúp con em chúng ta thay đổi tư duy từ đi làm thuê sang làm chủ. Hội đồng tư vấn thúc đẩy ngành giáo dục triển khai tiết học “Tìm hiểu về kinh doanh” và thực hiện mô hình giáo dục KN trong trường học cấp THPT một cách linh hoạt theo điều kiện thực tế.

Song song đó, tỉnh tìm kiếm, phát hiện, ươm tạo và nuôi dưỡng KN sáng tạo thông qua các cuộc thi Tìm kiếm dự án, ý tưởng KN cấp tỉnh, huyện/thành phố; qua sự giới thiệu của các địa phương, các sở, ngành. Hội đồng tư vấn xác định đây là kênh quan trọng để tỉnh tìm kiếm, ươm tạo, phát triển các sản phẩm KN cụ thể.

Hội đồng tư vấn tỉnh từng bước xây dựng các tổ chức hỗ trợ KN như Quỹ đầu tư KN, tổ dịch vụ tư vấn công, vườn ươm KN, các câu lạc bộ KN, Câu lạc bộ doanh nhân dẫn đầu… Các huyện, thành phố thành lập tổ xúc tiến đầu tư và KN hoặc Ban chỉ đạo để triển khai Chương trình số 10 của Tỉnh ủy đến cơ sở. Chương trình từng bước được triển khai trong toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền trên tinh thần chính quyền thân thiện, đồng hành với người dân, DN.

Cùng nhau vào cuộc

Ông Lê Xuân Vinh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN tỉnh cho biết, trong vai trò đầu mối thực hiện các hoạt động hỗ trợ KN, Trung tâm sáng đèn 24/24. Trung tâm cũng được giao nhiệm vụ theo dõi nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của DN thông qua các diễn đàn đối thoại, các buổi cà phê DN; đồng thời với ghi nhận là theo dõi tiến độ xử lý của các sở, ngành để đúng tháng sau sẽ báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh về các vấn đề được DN đặt ra (từng việc được xử lý tới đâu, nếu trễ hẹn thì báo cáo nguyên nhân vì sao, vướng khâu nào và cam kết thời gian giải quyết dứt điểm).

Đi kèm với triển khai thực hiện các chính sách là việc quan tâm tháo gỡ hỗ trợ. Từng sở, ngành, địa phương có kế hoạch triển khai Chương trình số 10 phải hết sức cụ thể từng năm, với những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra và lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể. Cán bộ đầu mối của cấp huyện, thành phố rất quan trọng trong việc theo dõi xuyên suốt tình hình phát triển DN cũng như khó khăn, vướng mắc của DN để tham mưu lãnh đạo xử lý. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đóng vai trò quan trọng, đồng hành với tỉnh trong việc giải ngân vốn cho các dự án KN và các DN có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Với tất cả những nỗ lực đó, cộng đồng KN tỉnh được hình thành rõ nét, tập trung làm việc dễ, việc nhỏ trước, tạo môi trường giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau một cách gần gũi, thân thiện. DN đi trước dẫn dắt DN đi sau. Dự án KN hướng đến lợi ích của xã hội, của cộng đồng. Các cơ quan nhà nước luôn trong tâm thế đồng hành cùng DN. Sở Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn tích cực tham mưu và chủ trì tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ.

Tầm nhìn khởi nghiệp

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn KN và phát triển DN tỉnh cho rằng: “Tầm nhìn của người KN được xây dựng trên nền tảng 3 tinh thần cốt lõi, đó là tinh thần DN, tinh thần chiến binh và tinh thần sáng tạo”.

Bí thư Tỉnh ủy kỳ vọng đặt niềm tin vào đội ngũ trí thức trẻ tỉnh nhà: Hơn ai hết, trí thức trẻ là đội ngũ tinh hoa của tỉnh nhà. Để xây dựng tỉnh trở thành một địa phương KN trong tương lai thì vai trò, sứ mạng của đội ngũ tri thức trẻ là rất lớn. Học theo tinh thần KN của quốc gia KN, tỉnh phải KN từ những khó khăn, thách thức cuộc sống tại địa phương. Làm sao để giải quyết những vấn đề này của tỉnh. Đây là câu chuyện tầm nhìn KN mở ra cho người KN Bến Tre. 

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN