Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hóa kiệt xuất

17/05/2010 - 08:09
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961. Ảnh tư liệu.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Hồ Chí Minh có ý thức rõ ràng về giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất. Bắt đầu vào con đường hoạt động cách mạng, Người đã chú ý tới vấn đề “càng thấm nhuần con người chủ nghĩa Mác-Lênin càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Hồ Chí Minh căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, và khẳng định cần “phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc”, tức là khôi phục cái gì tốt, cái gì không tốt thì phải loại dần ra. Chính vì vậy mà Hồ Chí Minh sớm có sắc lệnh bảo tồn tất cả di vật di tích trong toàn cõi Việt Nam (Sắc lệnh số 65 ngày 23-11-1945).

Hồ Chí Minh rất quan tâm đến di sản văn hóa vô hình theo cách nói ngày nay. Đối với Hồ Chí Minh, việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, tôn trọng phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc ít người, đồng thời phải tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc.

Nói đến văn hóa dân tộc và để văn hóa dân tộc có điều kiện phát triển, Hồ Chí Minh cho rằng “văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại… Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta phải học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.

Hồ Chí Minh thường nhắc đến tấm gương các danh nhân thế giới và Người khâm phục nền văn hóa tốt đẹp, cổ truyền của các dân tộc như: Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ…

Một nhà báo Mỹ viết như sau: “Cụ Hồ không phải là người dân tộc hẹp hòi, mà cụ là một người yêu mến văn hóa Pháp trong khi chống thực dân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ trong khi Mỹ phá hoại đất nước cụ”.

Theo qui luật hình thành, phát triển của các nền văn hóa, chủ nghĩa Mác không những chỉ là sản phẩm riêng của phương Tây, mà có nguồn gốc trong toàn bộ lịch sử văn hóa nhân loại. Chủ nghĩa Mác-Lênin là một luận chứng khoa học, một đỉnh cao của văn hóa loài người về sự giải phóng nhân cách và hình thành một xã hội mới, trong đó “sự phát triển tự do của mỗi con người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại đều quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong mối quan hệ đó, chúng ta cần dựa trên cơ sở văn hóa dân tộc, lấy văn hóa dân tộc làm gốc để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trần Huy Thường

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN