Hỗ trợ nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu

11/11/2018 - 19:03

Ông Kiệt với vườn bưởi sai trái và được áp dụng kỹ thuật bao trái. Ảnh: T.Mai

Ông Kiệt với vườn bưởi sai trái và được áp dụng kỹ thuật bao trái. Ảnh: T.Mai

Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Bình Đại tăng cường hỗ trợ nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), qua đó giúp nâng cao kiến thức về BĐKH góp phần sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

HND huyện đẩy mạnh trang bị cho nông dân những kiến thức căn bản, cần thiết để thích ứng với BĐKH và những tác động của nó. Trong đó, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi nền nông nghiệp để thích ứng BĐKH cho mỗi người dân.

Từ đầu năm 2018 đến nay, HND huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh lắp đặt 5 máy ủ phân hữu cơ cho 5 hộ hội viên ở xã Thới Lai, Lộc Thuận và Phú Thuận với tổng kinh phí 143 triệu đồng; trong đó, vốn đối ứng của người dân là 86 triệu đồng, còn lại do Sở KH&CN hỗ trợ. Đồng thời phối hợp khảo sát 6 hộ tham gia mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây bưởi ở xã Long Định, Phú Thuận; trong đó, vốn đối ứng của người dân là 70%, còn lại do Sở KH&CN hỗ trợ; khảo sát 2 hộ trồng rau trong nhà lưới tại xã Phú Long, 2 hộ ứng dụng chế phẩm EM tại xã Vang Quới Đông. Củng cố nâng chất 25 tổ hợp tác; thành lập 3 tổ hợp tác hoạt động theo Nghị định số 151 của Chính phủ với 22 thành viên, nâng tổng số 54 tổ hợp tác với 832 thành viên, 58 ban quản lý vùng nuôi.

Ngoài ra, HND còn triển khai nhiều mô hình sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước thích ứng với BĐKH. Các địa phương vận động nông dân cải tạo vườn cây ăn trái, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Một số loại cây trồng có khả năng chống chịu mặn, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao… được đưa vào áp dụng, nhân rộng. Điển hình là mô hình trồng bưởi da xanh của ông Đoàn Xuân Kiệt, ở ấp Long Hội, xã Long Định. Ông Đoàn đã tìm tòi và áp dụng hiệu quả kỹ thuật trong trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP, góp phần tăng năng suất, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, những năm gần đây, ông áp dụng kỹ thuật bao trái cho bưởi ngay từ lúc bưởi đậu trái. Ông Kiệt chia sẻ: “Cách bao trái này giúp bưởi chống lại loại sâu đục trái hiệu quả, cộng thêm hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, trái bưởi sạch, an toàn, đẹp, bán được giá cao”.

Bên cạnh đó, HND huyện còn khuyến khích vận động hội viên tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình nông nghiệp hiệu quả. Đơn cử như mô hình ủ phân chuồng hữu cơ sinh học của ông Trần Văn Đồng, ấp Giồng Bông, xã Thới Lai vừa đem lại nhiều hiệu quả trong kinh tế nông nghiệp, vừa góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường.

Tuyết Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN