Hộ ông Dương Văn Bắc sử dụng vốn vay phát triển chăn nuôi.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre và Chương trình Đồng khởi thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Các hội, đoàn
thể các cấp trực tiếp theo dõi, quản lý, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển
sinh kế. Phương châm của đề án là tạo cơ hội và chuyển đổi tâm thế của hộ nghèo
sang chủ động thoát nghèo bằng cách chí thú làm ăn, tự lực vươn lên.
Ông Đoàn Văn Đảnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết,
Tỉnh hội đã triển khai đề án đến huyện hội, chi hội, tổ hội nông dân xã. Hiện,
các cấp hội đã hỗ trợ phát triển sinh kế cho 10 hộ ở Bình Đại và đang tiếp tục
khảo sát ở các huyện còn lại. Tỉnh Đoàn cũng đã triển khai công tác hỗ trợ. Bên
cạnh hỗ trợ vốn để thanh niên làm mô hình kinh tế ở địa phương, Tỉnh Đoàn còn
phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu thanh niên tham gia
xuất khẩu lao động. Tỉnh Đoàn phấn đấu năm 2017, hỗ trợ thoát nghèo bền vững
cho 106 hộ nghèo, cận nghèo.
“Trước đây, tôi được
vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Năm nay, các đoàn thể
xuống tận nhà tìm hiểu và cho vay theo nguyện vọng của gia đình, với mức vay
cao hơn là 30 triệu đồng” - ông Trương Phúc Yên ở xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam
bộc bạch. Từ vốn vay, ông Yên mua 2 con bò thịt về nuôi. Để có thức ăn cho bò,
ông mượn hơn 1 công đất vườn dừa của người thân để trồng xen cỏ. Đất sản xuất hạn
chế, 3 người con đang tuổi học, tuổi lớn, muốn thoát nghèo, vợ chồng ông Yên phải
cố gắng bươn chải bằng nhiều cách như: làm thuê, chuốt cọng dừa, xe chỉ xơ dừa
không để thời gian nhàn rỗi.
Đường đến nhà vợ chồng ông Dương Văn Bắc ở xã Đa Phước Hội,
huyện Mỏ Cày Nam, cách trụ sở UBND xã khoảng 4 - 5km nhưng quanh co. Gia đình
ông sống trong căn nhà lá khá đơn sơ. Điều trân trọng là vợ chồng ông ham mê
làm kinh tế với mong muốn vươn lên khá giả bằng chính nghị lực của bản thân.
Ông Bắc nói: “Hồi đó, gia đình vay được 50 triệu đồng nhưng đề án tăng mức cho
vay 50 triệu đồng nữa. Tôi đầu tư nuôi mấy con heo nái, hàng chục heo thịt và
ba con bò thịt. Vật nuôi trong chuồng trại, có hầm xử lý chất thải cơ bản không
gây ô nhiễm môi trường”.
Bà Mai Thị Kim Tuyến - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng
Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Nam cho biết, Đề án Phát triển đa dạng sinh kế,
thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre và Chương trình Đồng khởi thoát nghèo giai đoạn
2016 - 2020 được thực hiện chặt chẽ. Đối với từng đối tượng cụ thể, có sự quan
tâm giám sát của đoàn thể và có phân công chịu trách nhiệm hỗ trợ. Trước khi được
xét hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sinh kế, các cấp đoàn thể đến khảo sát, tìm hiểu
điều kiện thực tế của từng hộ gia đình. Kết quả giám sát được ghi nhận đầy đủ
qua sổ nhật ký. Vì thế, chúng tôi rất yên tâm khi cho vay theo đề án, dù mức vốn
được nâng lên ở từng hộ tham gia.
Theo ông Lê Văn Khuyên - Phó giám đốc Ngân hàng Chính
sách xã hội tỉnh, ngân hàng ưu tiên vốn quay vòng dành cho đối tượng tham gia đề
án. Mức vay tối đa mỗi hộ lên đến 100 triệu đồng, tăng 50 triệu đồng so với trước.
Dự kiến, vốn dành cho vay theo đề án năm 2017 là 10 tỷ đồng.
Sau 1 năm triển khai Chương
trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, thực hiện công tác giảm
nghèo bền vững, tỉnh đã hỗ trợ trên 22.800 lượt người vay ưu đãi, với tổng
kinh phí 430 tỷ đồng thực hiện dự án thoát nghèo; hỗ trợ 132 mô hình khởi
nghiệp thoát nghèo, với tổng vốn 7,2 tỷ đồng. Phấn đấu trong 5 năm, toàn tỉnh
có trên 15.800 hộ nghèo có điều kiện cải thiện sinh kế thoát nghèo bền vững;
riêng năm 2017 sẽ có trên 3.700 hộ.