|
Ông Bình đang chăm sóc hoa dừa cạn. Ảnh: H.Vũ |
Trong vài năm trở lại đây, tại Chợ Lách, ngoài các loại hoa nở truyền thống như vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cẩm chướng, thược dược… thì hoa dừa cạn (hay còn gọi là hoa dừa rũ) đã thu hút được thị hiếu của người tiêu dùng về mẫu mã cũng như chất lượng. Loại hoa này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá hấp dẫn cho người sản xuất và kinh doanh hoa kiểng.
Xã Vĩnh Thành là địa phương có phong trào trồng hoa dừa cạn phát triển khá mạnh ở huyện Chợ Lách. Toàn xã hiện có trên 3.000 hộ sản xuất - kinh doanh hoa kiểng. Trong đó, có trên 200 hộ sản xuất hoa dừa cạn, tăng 60% so với năm 2011. Anh Nguyễn Duy Phương - một trong những hộ sản xuất hoa dừa cạn đạt hiệu quả kinh tế khá cao ở ấp Tây Lộc (xã Vĩnh Thành) cho biết: “Trong năm 2012, tôi sản xuất gần 11 ngàn sản phẩm hoa nở các loại, trong đó hoa dừa cạn chiếm gần 7 ngàn sản phẩm. Từ khi sản xuất loại hoa này, tôi đã tận dụng có hiệu quả thời gian nhàn rỗi của gia đình, nhờ đó kinh tế được nâng lên”. Anh Phương bắt đầu sản xuất loại hoa dừa cạn vào mùa hoa Tết năm 2010. Nhận thấy đây là loại hoa có mẫu mã đẹp, thị trường đang tiêu thụ mạnh, năm 2011, anh mạnh dạn đầu tư 6 triệu đồng sản xuất 700 chậu, sau 4 tháng thu về lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Từ đầu năm 2012 đến nay, anh Phương bán gần 5.000 chậu hoa dừa cạn, giá trung bình mỗi chậu 25 ngàn đồng, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, anh còn lãi gần 70 triệu đồng. Theo anh Phương, việc trồng hoa dừa cạn không đòi hỏi kỹ thuật canh tác phức tạp nhưng phải tốn nhiều công chăm sóc. Thời gian ươm hạt khoảng 1 tháng, khi cây cao hơn nửa gang tay thì cho vào chậu và đem ra giàn treo. Đây là thời gian cây sinh trưởng mạnh, mỗi tuần phải tưới phân 1 lần, chủ yếu là NPK. Song song đó, người trồng phải phun thuốc trừ sâu và trị nấm bệnh theo định kỳ 3 lần/tháng. Khi cây bắt đầu ra hoa thì thường xuyên lặt bỏ bông tàn và giữ cho cây luôn đủ độ ẩm cần thiết.
Đầu năm 2012, sau khi học hỏi cách trồng hoa dừa cạn ở các hộ lân cận, anh Mai Hữu Truyền (ở ấp Tây Lộc), đầu tư vào sản xuất loại hoa này và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế tương đối ổn định. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, anh đã bán được hơn 4.000 chậu, với mức lãi từ 5 đến 7 ngàn đồng/chậu. “Mùa rồi, tôi tận dụng khoảng trống để trồng hoa dừa cạn, sau khi trừ chi phí sản xuất, còn lãi gần 30 triệu đồng” - anh Mai Hữu Truyền phấn khởi nói.
Anh đang chuẩn bị xuất bán gần 2.000 chậu hoa dừa cạn thành phẩm cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh và chăm sóc 2.000 chậu gần 2 tháng tuổi để kịp cung cấp cho mùa hoa Tết năm nay.
Hiện tại, thị trường tiêu thụ hoa dừa cạn của Chợ Lách chủ yếu là những vựa hoa ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Mỗi chậu hoa bán tại vườn có giá từ 20 đến 30 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí, người trồng còn lãi từ 5 đến 15 ngàn đồng/chậu. Ngoài việc trưng bày vào các dịp lễ Tết, loại hoa này cũng được tiêu thụ khá mạnh vào việc trang trí cơ quan, văn phòng, trường học, nhà ở...
Với thị trường tiêu thụ khá mạnh như hiện nay, các mô hình trồng cây hoa dừa cạn bước đầu đang được địa phương khuyến khích, quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân sản xuất đạt chất lượng. Ông Dương Văn Tý - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tây Lộc cho biết: “Thấy được hiệu quả kinh tế của cây hoa dừa cạn, Chi hội Nông dân cũng khuyến khích bà con sản xuất. Trong các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ nông dân, những anh em sản xuất có hiệu quả chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người và tổ chức tham quan thực tế tại vườn”.