Hòa giải viên ở cơ sở - giềng mối của xóm làng

26/05/2013 - 16:06

Uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc là những tố chất không thể thiếu đối với một hòa giải viên cơ sở.

Trên địa bàn tỉnh nhà, hàng năm, lực lượng này thụ lý, giải quyết trên 3.500 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở tại cơ sở. Bà Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, số vụ việc được đưa ra hòa giải thành tại cơ sở thường chiếm gần 80%, góp phần rất lớn vào ổn định trật tự, an ninh xã hội, giảm áp lực đối với các cơ quan hành chính, tòa án trong giải quyết khiếu nại của công dân.

Là một trong những hòa giải viên có nhiều kinh nghiệm, với bề dày hơn 15 năm làm công tác này, ông Lê Văn Sơn - hòa giải viên ấp 8 - xã Tân Thạch (Châu Thành) được bà con trong ấp tín nhiệm. Ông Sơn cho biết, thời gian gần đây, mỗi năm, tổ hòa giải của ấp nhận trên 20 đơn yêu cầu của bà con. Mỗi khi xuất hiện những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ gia đình, giữa bà con hàng xóm và có đơn yêu cầu hòa giải thì 7 thành viên của tổ có kế hoạch tổ chức hòa giải sớm cho bà con.

Trong lần gặp gỡ này, ông Sơn kể về một cuộc hòa giải thành mà ông nhớ mãi. Đó là mâu thuẫn giữa hai anh em có bà con với nhau. Vì một xích mích nhỏ, lời qua tiếng lại, người anh đã mạnh tay đánh người em dập môi. Tổ đã tham gia hòa giải theo yêu cầu của người em. Ông Sơn là người trực tiếp giải quyết vụ việc này. Nhờ vào uy tín, mối quan hệ, quen biết của mình đối với gia đình hai đương sự, ông đã đến gặp từng người và khuyên giải trước. Thấy ông Sơn tuổi cao mà nhiệt tình, khuyên giải có lý nên hôm đưa ra hòa giải, cả hai bên đều nhận ra lỗi của mình, thống nhất với cách giải quyết của tổ hòa giải. Người anh xin lỗi vì nóng tính và tự giác hỗ trợ tiền thuốc men, nhưng người em thì kiên quyết không nhận, chỉ nhận lời xin lỗi của người anh. Hai anh em vui vẻ bắt tay nhau làm hòa.

Thường thì những xích mích nội bộ, tranh chấp ranh đất, tiền nợ, giữ gìn vệ sinh môi trường… có tỷ lệ hòa giải thành ở tại cơ sở rất cao. Nhưng hòa giải đối với những vụ ly hôn thì kết quả gần như ngược lại. Hòa giải viên ở cơ sở rất “ngán” đứng ra hòa giải cho những vụ việc này và cũng hết sức bức xúc trước hiện tượng ly hôn như hiện nay. Không chỉ có ông Lê Văn Sơn mà ông Phạm Văn Hiếu - Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Phú Hữu - xã Phú Hưng (TP. Bến Tre) cũng đồng thời cho biết về kết quả hòa giải thành rất thấp đối với hòa giải ly hôn. Ông Hiếu nói, thường thì khi đưa ra hòa giải, mâu thuẫn giữa đôi bên đã đến cao điểm, rất khó có thể hóa giải được. Tổ hòa giải lúc này chủ yếu là làm hết sức mình để hàn gắn quan hệ giữa hai người bằng cách phân tích về trách nhiệm của họ với con, gia đình hai bên và với xóm làng. Hai bên đương sự không tự giác nhận trách nhiệm, không thấy cái đúng, cái sai của mình thì vụ việc đành phải chuyển lên cấp trên. Điều băn khoăn của ông Hiếu sau gần 20 năm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở là thời gian gần đây số vụ việc ly hôn ngày một nhiều hơn.

“Trước khi tiến hành cuộc hòa giải, hòa giải viên cũng phải thực hiện các bước: nghiên cứu hồ sơ, xác minh thực tế, gặp gỡ cả hai bên nguyên đơn và bị đơn để thu thập thông tin. Nói chung, công việc phải hết sức nghiêm túc và khách quan”.

(Ông Lê Văn Sơn - hòa giải viên ấp 8 - xã Tân Thạch).

Tiêu chuẩn của hòa giải viên ở cơ sở đôi khi không đặt nặng về trình độ học vấn nhưng đòi hỏi họ phải là người có kinh nghiệm sống, uy tín, nhiệt tình. Ông Phạm Văn Hiếu cho biết, sống gắn bó với xóm làng, bà con, nhiệt tình giúp đỡ mọi người thì bà con sẽ tín nhiệm. Đứng ra khuyên người khác chấp hành pháp luật, sống có nghĩa, có tình với nhau, hòa giải viên không chỉ là người am hiểu về pháp luật mà đạo đức, tác phong, tính gương mẫu cũng là những điều cần phải có.

Không ai băn khoăn về chế độ đãi ngộ, phụ cấp, tiền công trong công tác này. Thời gian gần đây, tỉnh nhà có chủ trương hỗ trợ tổ hòa giải ở cơ sở 150 ngàn đồng cho mỗi vụ hòa giải thành. Với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở nhiều năm như ông Sơn, ông Hiếu, khi trao đổi với chúng tôi đều cho rằng, ít ai làm công tác này mà tính thiệt, tính hơn, làm để tìm thu nhập. “Trách nhiệm với tập thể, với sự bình yên của xóm làng, được sự tín nhiệm của bà con mà chúng tôi nhiệt tình và làm tốt công tác của mình thôi”, ông Hiếu nói gọn.

Ý nghĩa và vai trò của tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở ngày càng thể hiện rõ, được các cấp lãnh đạo quan tâm. Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 (Khóa XIII) đang diễn ra, Dự thảo Luật Hòa giải ở cơ sở sẽ được đưa ra lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội. Luật ra đời thay thế cho Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998. Đây sẽ là cơ sở pháp lý đảm bảo cho hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng có hiệu quả.

Thành Mãi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN