Hoa học trò vượt khó

04/03/2011 - 08:49
Em Huỳnh Thanh Xuân trong đêm giao lưu người tốt việc tốt tháng 1-2011.

Đều sinh ra trong gia đình nghèo khó, sống thiếu vắng sự chở che của cha mẹ, nương nhờ chủ yếu vào người thân nên hầu hết các em phải bươn chải kiếm tiền sớm. Mặc dù quỹ thời gian dành cho việc học rất ít, song với ước mơ có được một tương lai tươi sáng, các em đã không ngại gian khó, vươn lên, trở thành những tấm gương học sinh nghèo hiếu học tiêu biểu để các bạn trẻ noi theo.

Mẹ mất trong một vụ tai nạn giao thông khi vừa tròn 11 tuổi, cha bước thêm bước nữa, em Trần Văn Tửng, học sinh lớp 126, Trường THPT Phan Thanh Giản (Ba Tri) cùng đứa em gái nhỏ dẫn nhau về ở với bà ngoại. Thấy bà ngoại tuổi đã cao còn phải cưu mang hai đứa cháu nhỏ, Tửng thương bà vô hạn. Để chia sẻ nỗi lo với bà, ngoài giờ học trên lớp, Tửng đi làm thêm kiếm tiền. Dù là con trai nhưng Tửng rất khéo tay. Hầu hết những chiếc bội Tửng đan đều rất đẹp. Tuy số tiền kiếm được không nhiều, từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/ngày nhưng có thể mở ra cho Tửng cơ hội tiến gần với ước mơ của mình. Ước mơ của Tửng cũng giống như các bạn học sinh lớp 12 khác, đó là được bước chân vào giảng đường đại học, để sau này có việc làm ổn định, phụng dưỡng bà ngoại và lo cho em gái ăn học thành tài. Mặc dù thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ nhưng Tửng luôn có bà bên cạnh dạy bảo. Em luôn rèn luyện cho mình lối sống tốt, ở nhà biết hiếu thảo, kính trọng ông bà; ở trường là một học sinh gương mẫu, biết nghe lời thầy cô giáo và chia sẻ, giúp đỡ bạn bè. Với bản tính hiền lành, chân thật, lại biết vượt khó, Tửng ngày càng được thầy yêu, bạn mến. Thời gian qua, Tửng được Ban Giám hiệu, thầy cô giáo, học sinh Trường THPT Phan Thanh Giản giúp đỡ, cả vật chất lẫn tinh thần. Đáp lại tấm chân tình đó, Tửng đã không ngừng phấn đấu, nhiều năm liền đạt học sinh khá giỏi, là tấm gương học sinh nghèo hiếu học tiêu biểu của trường.

Hoàn cảnh của em Đặng Thị Bé, học sinh lớp 123, Trường THPT Phan Thanh Giản (Ba Tri) cũng không khác gì em Trần Văn Tửng. Mẹ mất trong một tai nạn giao thông khi Bé đang học lớp 8 nên em sống dựa nhờ vào sự đùm bọc, yêu thương của cha. Mấy năm gần đây, cha Bé ngã bệnh nặng, mất sức lao động, cuộc sống cả gia đình chỉ phụ thuộc vào tiền làm thuê, làm mướn của người chị gái lớn và anh trai thứ ba. Sống trong gia đình nghèo, thường xuyên đối diện với sự túng quẫn mỗi khi năm học mới đến, niềm vui đến trường của Bé ngày một giảm đi. Thế nhưng, khi nghĩ đến chỉ có con đường học vấn mới có thể giúp Bé thoát khỏi cái nghèo (giống như gia đình em hiện nay) nên em luôn nhắc nhở mình cố gắng học tập. Để biến ước mơ trở thành hiện thực, hàng ngày, Bé sắp xếp thời gian biểu hợp lý để vừa có thể học bài, vừa giúp chị trông cháu, làm việc nhà và cạo hạt cacao. Nhờ vậy, dù vất vả làm việc nhiều trong ngày nhưng bao nhiêu năm cắp sách đến trường là bấy nhiêu năm em đạt học sinh khá giỏi.

Nói đến tấm gương học sinh nghèo vượt khó học giỏi không thể không nhắc đến em Huỳnh Thanh Xuân, học sinh lớp 117, Trường THPT Võ Trường Toản (TP. Bến Tre). Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre), so với Tửng và Bé, Xuân may mắn hơn vì còn đủ cả cha mẹ. Tuy nhiên, mẹ Xuân không còn mạnh khỏe, minh mẫn kể từ khi bị tai nạn giao thông. Mẹ bệnh, bản thân Xuân cũng bệnh. Em thường xuyên bị cơn đau khớp xương đầu gối hoành hành. Người ốm, người đau cùng nhau nương náu trong mái nhà dựng bằng gỗ tạp trên phần đất của ông bà để lại. Huê lợi ít ỏi từ vườn dừa cằn cỗi và tiền công không ổn định từ nghề bơm xe đạp, sửa đồng hồ của cha không đủ trang trải chi tiêu hàng tháng, vì vậy, dù cố gắng mấy, cái nghèo vẫn cứ luôn đeo bám gia đình Xuân. Tuy sống trong cảnh túng thiếu nhưng cha Xuân nhất quyết không cho con gái nghỉ học. Bản thân Xuân cũng không có ý nghĩ đó nên cả cha và Xuân đều cố gắng. Điều đáng quý ở cô học trò này là, lúc trái gió trở trời, dù chân đau buốt em vẫn đến trường đầy đủ. Nhờ vậy, mỗi năm Xuân đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Em tâm sự: Gia đình khó khăn, chị em đang học ở Trường Cao đẳng Bến Tre đành phải nghỉ học để bươn chải. Cha em sớm tối vất vả với việc chăm sóc vườn tược, sửa chữa đồ cho người ta. Thấy cha, chị cực khổ để lo cho em ăn học, em không biết làm gì hơn là học thật giỏi, sau này trở thành cô giáo giỏi để không phụ lòng mọi người.

 Rõ ràng, mỗi em một hoàn cảnh, song tất cả đều biết vượt qua hoàn cảnh, sự tự ti, mặc cảm của bản thân để trở thành những người con ngoan, trò giỏi. Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thanh Giản Bùi Văn Tấn chia sẻ: Đối với các học sinh nghèo, nếu chỉ có ước mơ, hoài bão thôi thì chưa đủ, bản thân các em phải có nghị lực, và cần có sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, xã hội thì các em mới có thể biến hoài bão, ước mơ thành hiện thực.

 

Bài, ảnh: H.THI

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN