Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an toàn hàng hải ở Biển Đông; khẳng định những tranh chấp chủ quyền cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.
Chiều 10-7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Ngoại trưởng Hillary Clinton đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngoại trưởng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển trong quan hệ hai nước trên các lĩnh vực hợp tác song phương cũng như trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Ngoại trưởng Clinton cho rằng hai bên cần tiếp tục trao đổi về việc nâng tầm quan hệ hướng tới đối tác chiến lược và khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam; ủng hộ một nước Việt Nam phát triển và giàu mạnh, có vai trò quan trọng ở khu vực và trên trường quốc tế; nhấn mạnh Hoa Kỳ coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh chuyến thăm của Bà Ngoại trưởng và bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hai bên cần tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, môi trường, trong các vấn đề nhân đạo… Bà Ngoại trưởng bày tỏ đồng tình với ý kiến của Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại trưởng Clinton cũng trao đổi về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và hợp tác tiểu vùng sông Mê Công. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác, đảm bảo tự do an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; khẳng định những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của LHQ 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Ngoại trưởng Clinton bày tỏ quan ngại về những diễn biến vừa qua ở Biển Đông; khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ quyền của các quốc gia ven biển trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc 1982./.