Hoàn thành hội thảo kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2011

14/12/2010 - 16:34
Đại diện nông dân tham gia góp ý xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội. Ảnh: DPMO GT

Đến nay, 7 xã thực hiện dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP) của huyện Giồng Trôm gồm: Bình Hòa, Bình Thành, Tân Thanh, Hưng Nhượng, Thạnh Phú Đông, Phước Long, Sơn Phú đã hoàn thành hội thảo đóng góp kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2011.

Tại hội thảo, UBND các xã đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của xã trong năm 2010 và kế hoạch năm 2011. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của các xã thực hiện dự án giảm từ 2-6% (theo tiêu chí cũ), thu nhập bình quân đầu người tăng 1-3 triệu đồng/năm. Cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, đặc biệt chú trọng 2 sản phẩm chính là lúa và dừa. Tiểu thủ công nghiệp được duy trì, số cơ sở sản xuất tăng so với năm 2009. Thương mại - dịch vụ ổn định và phát triển. Tuy nhiên, nhân dân chưa được tiếp cận tốt các thông tin thị trường, đặc biệt là ở vùng nông thôn, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm qua thương lái và việc vận chuyển hàng hóa của một số nơi trên địa bàn còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến giá trị kinh tế các mặt hàng nông sản.

Cơ sở hạ tầng nông thôn ở các xã từng bước được hoàn thiện. Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng. Lưới điện hạ thế cơ bản phủ khắp các địa bàn. Phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm giao thông nông thôn” phát triển mạnh. Đặc biệt, dự án DBRP đã hỗ trợ các địa phương xây dựng 36 tuyến đường, dài trên 33km, 4 công trình chợ với kinh phí trên 11 tỷ đồng, góp phần cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường, nâng giá trị hàng nông sản. Ngoài ra, dự án còn quan tâm các hoạt động về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và tiếp cận thị trường thông qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, cho vay vốn, phổ biến thông tin thị trường, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… đã góp phần giúp địa phương thực hiện đạt các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.

Đạt được kết quả nêu trên là nhờ Ban quản lý dự án triển khai và thực hiện cách làm mới, có hiệu quả. Nếu như trước đây kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã được đề ra từ chính quyền địa phương rồi triển khai ra dân thực hiện (từ trên xuống) thì nay, kế hoạch được xây dựng từ dưới lên - trên cơ sở lấy ý kiến từ các ấp, ban ngành, đoàn thể và người dân. Cách làm này đã phát huy tính dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nên nhận được sự đồng thuận cao.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng văn phòng dự án huyện Giồng Trôm, ở các xã thực hiện dự án, nhờ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo cách này (từ dưới lên) nên kế hoạch sát thực tế, phát huy được thế mạnh của địa phương và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của từng đối tượng. Lập kế hoạch kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường có sự tham gia của cộng đồng là tạo điều kiện để người dân được biết, được bàn về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chương trình liên quan mật thiết đến cuộc sống, gắn với nhu cầu thiết thực của họ nên họ năng nổ, nhiệt tình tham gia đóng góp. Từ đó, kế hoạch của xã luôn sát với thực tế, giúp tăng hiệu quả đầu tư cấp xã.

Năm 2011, để có cơ sở xây dựng kế hoạch theo cách này, các xã đã tổ chức nhiều cuộc họp dân tại ấp, cụm dân cư, có sự tham gia của các nhóm là cán bộ xã, ấp, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, 30% hộ nghèo, đã thu hút trên 1.200 người tham gia. Tại đây, nhân dân đóng góp nhiều ý kiến thiết thực và cụ thể cho từng nội dung, chương trình của kế hoạch, từng đối tượng kinh tế hộ nhân dân, đặc biệt phân tích nhu cầu cụ thể đối với từng đối tượng hộ nghèo và những hoạt động cần thiết nhằm kết nối thị trường với nông dân. Đa số ý kiến đề nghị có chính sách hỗ trợ vốn vay, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với người có đất hoặc đất ít; dạy nghề, giới thiệu việc làm, thành lập các tổ nhóm hợp tác sản xuất đối với những hộ nghèo thiếu đất sản xuất, nhằm giúp từng đối tượng hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, có kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho đối tượng khó khăn để họ ổn định cuộc sống, an tâm chăm lo sản xuất. Các hộ kinh doanh, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đề xuất cần có chính sách ưu đãi thuế để họ có điều kiện phát triển ngành nghề, mở rộng sản xuất, thu hút, giải quyết lao động tại địa phương, tăng cao giá trị hàng nông sản.

Tin tưởng tính khả thi của kế hoạch theo cách làm mới, sự đồng thuận cao của nhân dân và tập trung hỗ trợ của các cấp, kinh tế - xã hội của các xã thực hiện dự án tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện đạt mục tiêu xóa nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trần Thanh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN