Vừa qua, Trường Cao đẳng Bến Tre tổ chức công bố và tọa đàm đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thạch dừa thô từ nước dừa già”. Đề tài do nhóm tác giả là giảng viên các khoa: Khoa học tự nhiên, Nông - Lâm - Thủy sản, Kinh tế - Tài chính, trong đó Thạc sĩ tâm lý sinh vật Phạm Thị Như Oanh làm chủ nhiệm.
Quy trình sản xuất thạch dừa sạch qua các công đoạn: giống men Acetobacter được giữ trong ống nghiệm ở nhiệt độ 5 - 10oC; ủ trong tủ ấm (3-4 ngày); cấy chuyền; cấy trong môi trường dịch thể; nhân giống (F3); phối chế; ủ trong phòng kín (để yên 5 - 8 ngày); thu hoạch. Trong đó, công đoạn phối chế có các bước: nước dừa được lọc qua lớp vải sạch để loại bỏ tạp chất cơ học; tiệt trùng ở 100oC từ 15-20 phút; để nguội còn 30 - 32oC; bổ sung đường và điều chỉnh độ pH bằng acid acetic. “Không nên pha loãng nước dừa bằng các chất khác, không để lên men quá 3 ngày. Trong công đoạn phối chế phải chú ý tỷ lệ giống. Quy trình này tập trung vào 3 vấn đề chính: giống, nguyên liệu và môi trường. Giống phải bảo đảm chất lượng, nguyên liệu (nước dừa) phải nguyên chất, môi trường sản xuất phải sạch. Có như thế mới cho ra sản phẩm thạch dừa sạch an toàn” - Thạc sĩ Oanh cho biết.
Đánh giá về đề tài này, thầy Lê Thành Công - Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Đề tài có 3 ưu điểm, quy trình có sự cải tiến trên cơ sở áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; đề tài có tính khả thi; quy trình này cho ra sản phẩm an toàn, góp phần xóa tình trạng sản xuất thạch dừa bẩn”.
Trong phần tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đề tài này khá hay. Tuy nhiên, cần phân tích kỹ hơn để tìm vi khuẩn, vì trong các loại vi khuẩn có vi khuẩn e.coli gây chết người.