 |
Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tỉnh đã tuyển chọn ra 4 giống lúa có khả năng chịu mặn tốt. |
Hoạt động nghiên cứu triển khai các đề tài, dự án ngày càng bám sát các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả thể hiện rõ và đa dạng trên từng lĩnh vực, như: nông nghiệp và thủy sản, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Trong nông nghiệp, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến các loại cây, con chủ lực của tỉnh, như: dừa, lúa, bưởi, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, vịt, gà, bò… Trên lĩnh vực cây trồng, KH&CN đã tuyển chọn được những giống lúa có khả năng chịu mặn tốt và ổn định về đặc tính nông học cũng như năng suất, có khả năng chịu mặn đến 4%o. Đến nay, đã tuyển chọn được 4 giống, góp phần đưa diện tích của 4 giống trên lên đến hàng trăm héc-ta; đã xây dựng mô hình và quy trình kỹ thuật khắc phục hiện tượng sượng trái sầu riêng, tăng năng suất được cải thiện rõ rệt: ước tính năng suất tăng từ 2-3 tấn/ha, năng suất trung bình đạt 25 tấn/ha, đã hỗ trợ xây dựng mô hình chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm chôm chôm huyện Chợ Lách, bưởi da xanh TP. Bến Tre, xây dựng tiêu chuẩn UTZ CERTIFIED cho sản phẩm cacao huyện Châu Thành; đào tạo, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất mía có năng suất, chất lượng cao, với các giống mía mới như: K88-200, K93-291, K95-84, LK92-11, KU00-1-58, SuphanBuri 7 có nguồn gốc từ Thái Lan cho nông dân trồng mía có năng suất quy đổi 10CCS đạt bình quân trên 120 tấn/ha.
Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình như nhân giống nấm quy mô công nghiệp, công suất 3 tấn giống thương phẩm/năm; 2 mô hình trồng nấm 4.000 phôi/mô hình; 1 mô hình sản xuất phôi nấm với 6.000 phôi/năm. Quy trình sản xuất nấm xanh cũng đã được chuyển giao. Ưu điểm của nấm xanh là kiểm soát được dịch rầy nâu, sâu cuốn lá, đồng thời giảm chi phí sử dụng thuốc hóa học trên 700 ngàn đồng/ha.
Trong chăn nuôi, KH&CN đã thử nghiệm con lai F1 giữa các giống bò Brahman, Angus và bò lai Sind trên đàn bò cái địa phương. Nuôi dưỡng và theo dõi khả năng thích nghi giống gà Đông Tảo thuần và gà lai F1 (gà Đông Tảo x gà Tàu vàng địa phương).
Trước nhu cầu của thực tế tại các huyện biển là cần có lượng nghêu giống, Sở KH&CN tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thuần dưỡng nghêu cám thành nghêu giống trong ao ở huyện Ba Tri, đạt tỷ lệ sống trên 44%. Mô hình nuôi hàu công nghiệp từ con giống chất lượng cao tại các vùng cửa sông, ven biển đạt theo yêu cầu và cao hơn so với hàu tự nhiên; đồng thời, điều tra, khảo sát nguồn lợi vọp tự nhiên tại 3 huyện ven biển. Đã thử nghiệm thả nuôi vọp trong ao đất và trong rừng ngập mặn, xây dựng được 2 mô hình ương và nuôi thương phẩm vọp, góp phần phục vụ đa dạng hóa sản phẩm của địa phương.
Trong lĩnh vực công nghiệp, đã xây dựng quy trình công nghệ sản xuất rượu vang chát, rượu vang ngọt, nước giải khát từ mật hoa dừa góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa, đã hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất sữa dừa. Xác định được giai đoạn thu hoạch, thời gian bảo quản, bao bì và nhiệt độ bảo quản tối ưu cho trái chôm chôm. Nghiên cứu xây dựng mẫu ngư cụ và quy trình chế tạo ngư cụ khai thác mực bằng câu vàng thay thế câu mực bằng tay để nâng cao năng suất cho nghề khai thác mực theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản.
Trong lĩnh vực điều tra cơ bản sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, tỉnh đã cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ công tác hoạch định chủ trương, chính sách, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể và chuyên ngành. Kết quả đã xác định ngưỡng chịu mặn một số cây ăn trái chủ lực của tỉnh và đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế. Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình xử lý nước có chi phí đầu tư thấp và công nghệ phù hợp với nông thôn. Nghiên cứu này góp phần cho xã Châu Bình (Giồng Trôm) sớm xây dựng thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều đề tài nghiên cứu giải quyết nhu cầu thực tế bức xúc của địa phương trong thời gian gần đây như: “Nghiên cứu ngưỡng môi trường và nguyên nhân gây chết nghêu, sò huyết và đề xuất các giải pháp khắc phục để phát triển bền vững nghề nuôi nghêu và sò huyết ở Bến Tre”, “Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình xử lý ô nhiễm từ khói lò than thiêu kết”…
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có đề tài nghiên cứu “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật ở các trường trung học tại tỉnh Bến Tre”, hay đề tài “Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Bến Tre”. Qua đó, đã phát hiện các vấn đề tích cực và cả những mặt hạn chế từ thực tiễn để tìm ra giải pháp. Đề tài “Sự hình thành và phát triển nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng Cái Mơn” đã mô tả được quá trình hình thành, phát triển của nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng Cái Mơn qua từng thời kỳ, đúc kết kinh nghiệm sản xuất; nhằm tôn vinh các nghệ nhân đã và đang bồi đắp cho thương hiệu cây giống, hoa kiểng.
Có thể nói, những kết quả trên phản ánh nét chuyển biến đổi mới và ngày càng mang tính thiết thực trong hoạt động nghiên cứu KH&CN của tỉnh nhà. Tuy nhiên, các đơn vị nghiên cứu, các ngành cần tiếp tục quan tâm đến việc hoàn thiện đề tài, nghiên cứu sau nghiệm thu và nghiêm túc thực hiện công tác chuyển giao để phát huy tối đa tính hiệu quả của nó và tạo ra sức lan tỏa lớn trong xã hội.