 |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bến Tre. |
Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được tổ chức vào sáng 17-1-2014, tại Bộ Tư pháp.
Ông Uông Chu Lưu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bến Tre, ông Phan Tuấn Thanh - Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện các sở, ngành tham dự.
Đến nay, 63/63 Trung tâm TGPL trên toàn quốc có tổng biên chế là 1.244 người, với gần 9.000 người là cộng tác viên TGPL, trong đó có hơn 1.000 luật sư. Trong 2 năm, các tổ chức TGPL đã thực hiện 231.830 vụ việc, với 240.176 người được TGPL; chủ yếu là tư vấn pháp luật, với hơn 213 ngàn vụ việc (chiếm 92%), tham gia tố tụng 13.400 vụ việc (5,8%), còn lại là tham gia với tư cách là đại diện ngoài tố tụng, hòa giải… Các Trung tâm TGPL đã thực hiện 8.439 đợt TGPL lưu động tại hơn 7.000 điểm xã (ưu tiên hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn).
Từ năm 2014 đến năm 2016, Chiến lược phát triển TGPL sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về TGPL, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động TGPL; giải pháp thiết thực nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội tham gia TGPL; sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và ngân sách cho công tác TGPL; rà soát tính hiệu quả của tổ chức TGPL Nhà nước, đội ngũ thực hiện TGPL; tăng cường công tác quản lý nhà nước về TGPL; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động TGPL. Giai đoạn 2017-2020, Chiến lược phát triển TGPL tập trung vào các nhiệm vụ: tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật TGPL; có lộ trình chuyển dần đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thành luật sư; nâng cao năng lực của đội ngũ thực hiện TGPL; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TGPL.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao kết quả công tác TGPL trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục sửa đổi một số mục tiêu của Chiến lược cho phù hợp với thực tế; hoạt động TGPL cần sâu rộng và đi vào thực tiễn cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa nhiều hơn nữa; cần có chính sách thu hút nhiều thành phần tham gia hoạt động TGPL, nhất là đội ngũ luật sư; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa...