Học tập gương sáng, phát huy giá trị, nhân cách Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, xây dựng Bến Tre ngày càng phát triển vững mạnh

30/06/2022 - 12:16

BDK - “Nguyễn Ðình Chiểu - nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Ðó là đánh giá khi thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023, tại Kỳ họp lần thứ 41 của Ðại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), diễn ra từ ngày 9 đến 24-11-2021 tại Paris, Pháp.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ khảo sát tiến độ chuẩn bị kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Nguyễn Sự

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ khảo sát tiến độ chuẩn bị kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Nguyễn Sự

Phát huy giá trị văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

Sự kiện Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh là “Danh nhân” và được UNESCO cùng tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1-7-1822 - 1-7-2022) là vinh dự lớn, là niềm tự hào cho cả dân tộc Việt Nam nói chung, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre nói riêng. Cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã vươn ra khỏi phạm vi quốc gia, vươn tầm thế giới, là tấm gương sáng cho hậu thế học tập, noi theo.

Nguyễn Đình Chiểu - một tấm gương về nghị lực phi thường, vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh, luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa. Ông là một hiện tượng hiếm có khi thành công trên cả ba vai trò: nhà thơ, nhà giáo, người thầy thuốc. Trong sự nghiệp thơ văn, ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, luôn hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, tiêu biểu là tác phẩm Lục Vân Tiên. Là một nhà giáo mù, sống thanh bần, không màng danh lợi, suốt đời tâm huyết trao truyền những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín cho bao thế hệ môn sinh bằng nhân cách của một kẻ sĩ. Là một lương y chân chính, người thầy thuốc mẫu mực, tinh thông sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam cả về y thuật và y đức, mà y đức của Nguyễn Đình Chiểu chính là đạo cứu người lồng trong nghĩa vụ cứu dân, cứu nước.

Thơ văn của ông, những giá trị về đạo đức, nhân cách sống của ông là một tấm gương ngời sáng, tiêu biểu cho nhân cách Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Tấm gương và những giá trị cao đẹp về nhân cách văn hóa của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm, cốt cách con người Bến Tre và hành động của bao thế hệ người Bến Tre trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng quê hương, góp phần hình thành nên những giá trị văn hóa tiêu biểu trong quá trình hình thành và phát triển tỉnh Bến Tre trong suốt thời gian qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre không chỉ tự hào về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu mà còn có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa mà Nguyễn Đình Chiểu để lại trong sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới ngày nay.

Với truyền thống văn hóa và cách mạng của quê hương Đồng Khởi anh hùng, Bến Tre đã góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân, đế quốc, giành độc lập, thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phát huy truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường, đoàn kết, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của tỉnh, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây, tốc độ phát triển ngày càng nhanh và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Bến Tre có nhiều tiềm năng, thế mạnh cần chủ động khai thác tối đa, hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, nguồn lực còn hạn chế cả về vốn và nhân lực chất lượng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội dù được đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn thiện… đó là những khó khăn nội tại cần được khắc phục. Với khát vọng vươn lên làm giàu, sánh vai với các tỉnh trong khu vực và cả nước, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 Bến Tre thuộc nhóm khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2030 thuộc nhóm khá của cả nước; đến năm 2045: Bến Tre có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường sống lý tưởng cho người dân, trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với các tiêu chí: Đáng sống, có thu nhập cao, môi trường sống xanh - sạch - đẹp, thân thiện, hiện đại.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Đảng bộ tỉnh xác định phát huy truyền thống văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần Đồng khởi, khát vọng vươn lên của người Bến Tre là động lực để phát triển và là động lực có tính nền tảng. Trong động lực văn hóa tinh thần thì việc khẳng định, phát huy di sản văn hóa Nguyễn Đình Chiểu là một nội dung quan trọng, nhằm tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, ý chí tự lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Xây dựng và phát triển quê hương

Nhằm phát huy giá trị văn hóa Nguyễn Đình Chiểu để xây dựng quê hương, trước hết trong đợt kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, các cấp, các ngành cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, làm thấm sâu và lan tỏa những giá trị văn hóa, nhân cách, tấm gương Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong mọi tầng lớp nhân dân. Phát động phong trào học tập tấm gương sáng ngời của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, luôn thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, ý chí, khát vọng vươn lên; nâng cao tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết, tạo động lực nền tảng để phát triển.

Tập trung đầu tư hoàn thành việc trùng tu, xây dựng Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu xứng tầm Danh nhân văn hóa được thế giới tôn vinh; tổ chức các hoạt động học thuật như: hội thảo, tọa đàm, bình thơ; mở các cuộc thi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu; các hoạt động sáng tác về Nguyễn Đình Chiểu. Qua đó, truyền thông, quảng bá về cuộc đời, sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, giới thiệu rộng rãi đến bạn bè quốc tế về đất và người Bến Tre, góp phần mở rộng hoạt động du lịch, thu hút đầu tư phát triển tỉnh.

Ngoài những giá trị văn hóa, nhân cách sống, Nguyễn Đình Chiểu còn là tấm gương sáng của người thầy giáo, thầy thuốc vượt nghịch cảnh để giúp đời, cứu người, không màng danh lợi mà chúng ta cần tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, ngành giáo dục cần phải thường xuyên tuyên truyền, học tập nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu trong toàn ngành để mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương trong sáng, mẫu mực, thể hiện trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp trồng người; đem hết tâm huyết, nhiệt tình để dạy dỗ thế hệ trẻ hôm nay hướng đến mục tiêu “dạy chữ, dạy nghề và dạy làm người”; góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh; quan tâm xây dựng tốt mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội, đây là ba môi trường quan trọng quyết định sự hình thành nhân cách, văn hóa, con người, nhất là giới trẻ.

Đối với đội ngũ y, bác sĩ, cần noi gương thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu, phải không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng, y đức… để trở thành người thầy thuốc chân chính, “lương y như từ mẫu”; tận tâm cứu chữa người bệnh trong mọi hoàn cảnh, vững vàng trước những cám dỗ về vật chất, coi trọng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, tránh vô cảm thờ ơ trước những hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.

Mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương; học tập, phát huy giá trị văn hóa, nhân cách Nguyễn Đình Chiểu, tích cực học tập, học tập suốt đời; tập trung xây dựng văn hóa, con người Bến Tre phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, góp phần hiện thực hóa khát vọng Bến Tre trong tương lai.

Lê Đức Thọ

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN