Học thi tránh kiểu “nhồi nhét kiến thức”

13/06/2018 - 07:19

BDK - Thời điểm này, các em học sinh (HS) đang chạy nước rút trong việc ôn tập để chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sắp đến gần. Tuy nhiên, “nhồi nhét kiến thức” giai đoạn này chưa hẳn đã hiệu quả. Ôn thi đúng cách giúp HS vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo sức khỏe.

Có cách học khoa học sẽ giúp học sinh tránh được áp lực và đảm bảo sức khỏe trong ngày thi.

Có cách học khoa học sẽ giúp học sinh tránh được áp lực và đảm bảo sức khỏe trong ngày thi.

Củng cố kiến thức

Hầu hết trường THPT trên địa bàn tỉnh đang tổ chức ôn tập lại các kiến thức cơ bản trong chương trình THPT cho các em HS. Cô Trần Thị Kiều Lan - giáo viên Trường THPT Trần Văn Ơn (Châu Thành) cho biết, thời gian này, giáo viên chủ yếu giúp HS hệ thống lại tất cả các kiến thức từ chương trình lớp 11 và lớp 12. Phần nào liên quan, giáo viên xâu chuỗi lại theo từng chuyên đề giúp các em ghi nhớ lâu hơn chương trình đã học.

Trường THPT An Thới (Mỏ Cày Nam) đang cho các em HS ôn tập theo nhóm lớp. “Việc chọn các em có năng lực học ngang bằng nhau vào một lớp để thuận tiện cho việc dạy học và quản lý HS. Đối với HS khá, giỏi, trường có chương trình ôn tập với dạng đề nâng cao giúp các em rèn luyện thêm. HS có học lực kém, tập trung giúp các em nắm lại kiến thức cũ, nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức một cách bài bản”, thầy Đặng Văn Thế - Hiệu trưởng Trường THPT An Thới cho hay.

Theo thầy Phạm Công Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Tán Kế (Ba Tri), nhà trường chỉ đạo giáo viên vừa dạy vừa hệ thống lại kiến thức cho HS từ đầu năm học. Trong đó, vừa dạy kết hợp với phân loại HS để có cách ôn tập phù hợp theo từng đối tượng, đảm bảo các em đủ kiến thức để thi đậu tốt nghiệp.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tri Phan Văn Lâm khuyên: “Các em HS cần tránh tình trạng học tủ, học thuộc lòng vì khi vào phòng thi các yếu tố tâm lý có thể làm các em quên bài. Cách tốt nhất nên liệt kê phần quan trọng trong chương trình, sau đó phân nhánh, phần lớn trước, nhỏ sau. Nhìn vào biểu đồ phân nhánh, các em tư duy và lý luận từng phần như thế nhẹ nhàng mà hiệu quả”.

Trong cuộc họp giao ban lần 2 năm học 2017-2018, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Bữu đã đề nghị các trường tổ chức ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải, đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT giúp HS vận dụng kiến thức để hoàn thành kỳ thi với kết quả tốt nhất.

Tránh “nhồi nhét kiến thức”

Ngoài thời gian ôn tập tại trường, hầu hết các em HS tự ôn tập tại nhà. Chia sẻ phương pháp tự học, Nguyễn Đức Huy - HS lớp 12A5 Trường THPT Phan Thanh Giản (Ba Tri) bộc bạch: “Thời gian ở nhà em tập dợt kỹ năng làm bài nhanh và chính xác. Ngoài các nội dung trong chương trình đã học, em xem thêm các clip luyện bài tập trên internet. Đồng thời tham khảo, tự làm đi làm lại nhiều lần các dạng để làm quen, hạn chế áp lực khi làm bài thi”.

Học sinh ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Học sinh ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018. 

Một cựu HS Trường THPT Chuyên Bến Tre cho biết, điều đầu tiên cần nắm vững, nắm chắc lý thuyết trước, sau khi đã hiểu thông suốt bắt đầu áp dụng vào làm thêm bài tập. Đối với bộ môn xã hội nên học bài theo chương, theo thời kỳ, rút ra nội dung trọng tâm sẽ dễ nhớ hơn. Làm thêm các bài tập trên mạng, sau đó dò lại đáp án rút ra kinh nghiệm cho các bài tập sau. Đối với môn tiếng Anh thì phải tích cực học từ vựng, cấu trúc ngữ pháp.

“Môn Văn thì cần nắm vững các tác phẩm văn học để làm nguồn tư liệu dẫn chứng. Đọc tham khảo cách viết trên mạng hay các tài liệu tham khảo khác để xem cách dùng từ, giúp trau dồi vốn từ; tìm tòi những từ ngữ mang hàm ý cô đọng, súc tích. Đặc biệt, theo dõi các sự kiện chính trị, xã hội để dẫn chứng thực tế thêm sinh động. Nắm vững các kỹ năng viết bài, viết đoạn; phần nào khó học thì đọc đi đọc lại nhiều lần”, cô Nguyễn Thị Huệ - giáo viên Trường THPT Tán Kế chia sẻ.

Theo Huỳnh Thị Nhả Trân - sinh viên Khoa Mầm non Trường Cao đẳng Bến Tre, thời gian này, các bạn HS tự học là chính, do đó, các bạn cần phân bố thời gian tự ôn các môn hợp lý, xen kẽ thời gian học và giải trí để đầu óc bớt căng thẳng. Xây dựng thời gian biểu hợp lý, ban ngày thì phân chia thời gian cho việc học, giải trí và ăn uống đầy đủ, có điều kiện học nhóm giúp nhau hệ thống lại các kiến thức. Ôn phần nào chắc phần đó, nắm vững kiến thức cơ bản, tìm hiểu và chọn lọc kiến thức mở rộng thực tế để có thể tự tin bước vào phòng thi.

“Các em HS ôn luyện nhưng chú trọng sức khỏe, học vừa phải, tránh nhồi nhét quá nhiều kiến thức cùng một lúc sẽ không hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng sức khỏe trong ngày thi” - thầy Phan Văn Lâm cũng nhắc nhở.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN