Hội đồng Nhân quyền LHQ bầu 15 thành viên mới nhiệm kỳ 2021-2023

14/10/2020 - 06:55

Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 13-10-2020 đã bầu 15 quốc gia làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2021-2023.

Chủ tịch Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, bà Elizabeth Broderick phát biểu trong phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 nhân kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ ngày 1-10-2020. Ảnh: Hữu Thanh/PV TTXVN tại New York

Chủ tịch Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, bà Elizabeth Broderick phát biểu trong phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 nhân kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ ngày 1-10-2020. Ảnh: Hữu Thanh/PV TTXVN tại New York

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại New York, với nhóm nước châu Phi, Senegal tái ứng cử nhận được 188 phiếu bầu, Côte d’Ivoire, 182 phiếu, Malawi, 180 phiếu, và Gabon, 176 phiếu đã được bầu vào 4 ghế trống của nhóm.

Với nhóm các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, Pakistan được 169 phiếu và Nepal, 150 phiếu, đã tái cử; Uzbekistan nhận được 169 phiếu và Trung Quốc, 139 phiếu, đã trở thành các thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền. Pháp với 167 phiếu và Anh với 165 phiếu, cũng đã được bầu vào hai ghế trống của Tây Âu và các quốc gia khác.

Đối với 2 ghế của nhóm Đông Âu, Ukraine đã tái cử đắc cử với 166 phiếu và Nga đã trúng cử với 158 phiếu. Với những nước thuộc nhóm các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê, Mexico tái cử nhận được 175 phiếu; Bolivia, 172 phiếu, và Cuba, 170 phiếu, cũng đã được bầu làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền.

Được thành lập vào năm 2006, Hội đồng Nhân quyền LHQ có trách nhiệm tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Đặt trụ sở tại Geneva, Hội đồng Nhân quyền tổ chức 3 phiên họp thường niên vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9 hàng năm. Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia được bầu trực tiếp bằng cách bỏ phiếu kín, theo nguyên tắc phân phối địa lý công bằng, theo đa số. Các quốc gia thành viên có nhiệm kỳ 3 năm và chỉ đủ điều kiện để tái cử một lần. Các quốc gia được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hợp tác đầy đủ với bội đồng và đệ trình thủ tục đánh giá định kỳ toàn cầu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ trong nhiệm kỳ của mình.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN