BDK.VN - Nhằm kéo giảm trình trạng tín dụng đen, hụi lãi cao, vừa qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre, tổ chức Hội thảo “Phủ xanh tín dụng xanh” hướng đến tài chính toàn diện. Hội thảo được thực hiện ở tất cả các huyện, thành phố thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ (HVPN). Hội thảo không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn tạo ra các giải pháp tài chính cụ thể để giảm thiểu tín dụng đen và chơi hụi lãi cao trong HVPN cũng như người dân.
Hội viên phụ nữ trao đổi tìm hiểu về cách tiếp cận các nguồn vốn một cách an toàn để phát triển kinh tế gia đình.
Sự vào cuộc từ cơ sở
Chủ tịch Hội LHPN xã Giao Long Trương Thị Mộng Trinh cho biết, Hội có 6 chi hội và 41 tổ hội, số HVPNtừ 18 tuổi trở lên 3.433 chị, tổng số hội viên 2134/3433 đạt 62,2%. Nguồn thu nhập của chị em HVPN xã chủ yếu là nông nghiệp, làm công nhân trong khu công nghiệp. Các chị em thường tích lũy vốn, góp vốn bằng hình thức chơi hụi, nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện xã có 7 chủ hụi đến UBND xã để đăng ký khai báo với 24 dây hụi và 535 hụi viên. Tuy nhiên vẫn còn trường hợp, các dây hụi được hình thành chủ yếu dựa vào sự tin tưởng nên chỉ giao kết bằng miệng hoặc ghi chép đơn giản.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành Nguyễn Thanh Hiền cho biết, trong nhiều năm qua, trên địa bàn Châu Thành cũng đã xảy ra rất nhiều vụ vỡ nợ, vỡ hụi... Qua khảo sát hiện tại trên địa bàn huyện có 4.708 hụi viên với 203 dây hụi, và 505 thành viên.
Cụ thể năm 2023 đã xảy ra 3 vụ vỡ hụi với tổng số tiền 14,6 tỷ đồng với 527 hụi viên. Vỡ hụi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của một số cá nhân và gia đình, các vụ việc liên quan đến tín dụng đen cũng rất đa dạng, nhưng phần lớn xảy ra là HVPN.
Bên cạnh đó, do ham lời, nhiều người đã rơi vào bẫy của tín dụng đen, từ vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao đã vô tình trở thành vừa là nạn nhân vừa là đối tượng tham gia đồng phạm trong đường dây tín dụng đen.
“Hệ lụy phát sinh từ tín dụng đen dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật... Do đó, việc triển khai “phủ xanh tín dụng xanh” trên địa bản tỉnh nói chung, huyện Châu Thành nói riêng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp HVPN và người dân được tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng chính thống, an toàn để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, hụi lãi cao, một hình thức tín dụng tự phát trong cộng đồng, tưởng chừng như là giải pháp tài chính hữu hiệu cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng hụi có thể biến thành “cơn ác mộng” với những hậu quả khôn lường. Một trong những rủi ro lớn nhất là khi chủ hụi hoặc các thành viên không còn khả năng đóng hụi hoặc cố tình lừa đảo, dẫn đến việc cả nhóm mất trắng số tiền tích góp. Những câu chuyện vỡ hụi đã trở nên quen thuộc, với không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Hụi lãi cao không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm rạn nứt mối quan hệ trong cộng đồng, gia đình khi những mâu thuẫn, tranh chấp về tiền bạc xảy ra.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội thảo "Phủ xanh tín dụng xanh" tại huyện Châu Thành.
“Phủ xanh tín dụng xanh”
Chủ tịch Hội LHPN xã Giao Long (Châu Thành) nằm gần khu công nghiệp, hiện nay tình trạng tín dụng đen đã xuất hiện trong khu công nghiệp và các xã lân cận. Đối tượng vay vốn là người dân có thu nhập thấp hoặc có nhu cầu cần vay vốn nhưng không, hoặc chưa có tài sản thế chấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các tổ chức tín dụng và ngân hàng chính thống. Người vay có thể là người dân, công nhân trong khu công nghiệp, sinh viên, các tiểu thương...
"Để hạn chế tình trạng tín dụng đen, hụi lãi cao, thời gian qua, Hội LHPN xã thường xuyên tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà nhất là tập trung tuyên truyền về tín dụng đen và Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường thông qua các cuộc sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ, trong các buổi họp mặt kỷ niệm nhân các ngày lễ lớn của Hội. Đồng thời tập trung triển khai nhiều chương trình vay vốn để HVPN tiếp cận với nguồn vốn tín dụng như: Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành, Ngân hàng Agribank Chi nhánh Giao Long, Quỹ phụ nữ khởi nghiệp nhằm góp phần giúp HVPN tiếp cận với nguồn vốn chính thống, hạn chế tìm đến tín dụng đen”, Chủ tịch Hội LHPN xã Giao Long Trương Thị Mộng Trinh cho biết.
“Thấy được hệ lụy từ “tín dụng đen”, hụi lãi cao, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre, tổ chức hội thảo “Phủ xanh tín dụng xanh” hướng đến tài chính toàn diện thu hút sự tham gia của đông đảo HVPN, các ngân hàng thương mại và đại diện các tổ chức liên quan đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Hội thảo không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn tạo ra các giải pháp tài chính cụ thể để giảm thiểu tín dụng đen và chơi hụi lãi cao trong dân”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết.
Theo nhận định của Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa, hội thảo đã thành công trong việc cảnh báo về các rủi ro liên quan đến việc chơi hụi - một hình thức cho vay và huy động vốn phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vỡ nợ và mất khả năng thanh toán tài chính. Thông qua việc giới thiệu các giải pháp tài chính, HVPN đã dần thay đổi thói quen tài chính, chuyển từ chơi hụi lãi cao sang các hình thức vay vốn hợp pháp, an toàn, phù hợp với điều kiện nhu cầu. Những phản hồi từ HVPN sau hội thảo là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chương trình.
“Nhờ vào việc hiểu biết rõ hơn về các sản phẩm tài chính của các tổ chức tín dụng xanh, phương pháp tiếp cận linh hoạt, thuận tiện, thủ tục nhanh gọn, HVPN đã hiểu hơn và tăng cường niềm tin vào các tổ chức tín dụng chính thức. Điều này không chỉ giúp họ tiếp cận các nguồn vốn một cách an toàn mà còn là động lực hỗ trợ họ phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ phụ nữ khỏi các rủi ro tài chính và nâng cao chất lượng cuộc sống”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
Hội thảo “Phủ xanh tín dụng xanh” hướng đến tài chính toàn diện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và mở ra hướng đi mới cho việc phát triển tài chính toàn diện tại tỉnh Bến Tre. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để triển khai thêm nhiều hoạt động đào tạo và hỗ trợ, nhằm mở rộng việc tiếp cận các sản phẩm tín dụng xanh và nâng cao nhận thức về các giải pháp tài chính an toàn. Sự thành công của hội thảo đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng tài chính an toàn và bền vững, đồng thời góp phần giảm thiểu các rủi ro từ tín dụng đen và chơi hụi lãi cao trong HVPN tỉnh”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa.