 |
Ảnh AFP. |
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 chính thức khai mạc tại Singapore vào ngày mai (20/11) sẽ tập trung vào Hiến chương và hội nhập khu vực.
Thành lập từ tháng 8/1967, qua 40 năm hoạt động ASEAN đã giúp nâng vị thế của các quốc gia Đông Nam Á lẫn chính mình trên trường quốc tế. Để sẵn sàng đối mặt với thách thức hơn nữa, ASEAN cần có một nền tảng pháp lý và khung thể chế để thiết lập hội nhập khu vực.
Năm 2005, các lãnh đạo ASEAN đã quyết định đưa ra một hiến chương cho khối và hy vọng thực hiện mục tiêu lâu dài của ASEAN là trở thành một thể chế khu vực hội nhập chặt chẽ thông qua việc thực hiện Hiến chương.
Trong hội nghị Bộ trưởng ASEAN diễn ra hồi tháng 7 tại Manila, Philippines, tất cả các thành viên tham dự đều nhất trí phê chuẩn Hiến chương trong hội nghị cấp cao năm nay.
Trả lời phỏng vấn với báo giới địa phương, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore - nước hiện giữ chức Chủ tịch ASEAN cho hay, các nước thành viên ASEAN phải phối hợp với nhau để giải quyết những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.
Các quan chức cấp cao Singapore tham gia soạn thảo Hiến chương nói, văn bản này sẽ giúp ASEAN hùng mạnh hơn và hoạt động hiệu quả hơn.
Để đạt mục tiêu xây dựng một cộng đồng quan tâm và chia sẻ, lãnh đạo các nước dự hội nghị cấp cao lần thứ 13 sẽ thảo luận về hội nhập khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Là một tổ chức hợp tác khu vực gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, ASEAN luôn đi theo hướng hội nhập kinh tế từ khi thành lập.
Theo hãng thông tấn Bernama của Malaysia, ASEAN từ một tổ chức vùng lỏng lẻo sẽ trở thành một thực thể dựa trên các quy tắc sau khi Hiến chương ASEAN được phê chuẩn. Hiến chương ASEAN sẽ được các nước ký vào ngày mai (20/11).
Hoài Linh