Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

22/12/2023 - 11:26

BDK.VN - Ngày 22-12-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” cùng sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương. Tại điểm cầu Bến Tre có sự tham dự của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười và lãnh đạo các sở ngành liên quan.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Cụ thể, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành đã xác định 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa (gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, xuất bản, thời trang, kiến trúc, truyền hình và phát thanh) đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt khoảng 44 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động (năm 2022). Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra giá trị xuất siêu ước đạt 41,9 tỷ USD trong năm 2022. Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.

Qua nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp cụ thể, tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết, phối hợp công và tư, việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số... Theo đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, thu hút nguồn lực hợp tác công tư.

Mục tiêu chung đề ra đến năm 2030 phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế sẵn có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Tin, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN