Hội nghị truyền máu khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 18 đã khai mạc tại Hà Nội ngày 10/11, với sự tham gia của hàng nghìn chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại Việt Nam, do Viện Huyết học truyền máu Việt Nam và Hiệp hội Truyền máu Quốc tế chủ trì.
Trong 4 ngày làm việc, Hội nghị sẽ cập nhật tình hình phát triển trong lĩnh vực truyền máu y học; các hướng phát triển lĩnh vực truyền máu tuyển chọn người hiến máu tình nguyện, an toàn, sàng lọc máu bằng kỹ thuật hiện đại, các bệnh lây truyền qua đường máu, quản lý chất lượng, giám sát tai biến truyền máu.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác, đóng góp ý kiến của Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Chữ thập Đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, đã hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành huyết học truyền máu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, cùng các vị lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam cùng chia sẻ những thông tin về sự phát triển, khó khăn, thách thức trong lĩnh vực truyền máu-huyết học ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, nhận thức của người dân Việt Nam về hiến máu tự nguyện đã chuyển biến rõ rệt, số người hiến máu tình nguyện ngày càng tăng. Năm 2006, cả nước đã thu được 420.668 đơn vị máu, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 60%.
Từ năm 1996, Bộ Y tế đã triển khai xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét. Việc sản xuất các chế phẩm máu đã đạt tỷ lệ trên 90% ở nhiều trung tâm lớn. Hàng trăm ngàn người bệnh đã được cứu sống nhờ truyền máu an toàn, chất lượng chuyên môn trong chuyên ngành đã được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, Việt Nam cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong lĩnh vực huyết học, truyền máu. Tỷ lệ người cho máu lấy tiền còn cao, tỷ lệ người dân mắc bệnh lây truyền qua đường máu rất cao, tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, máu còn thiếu nhiều./.