Ảnh: Thúy Ngân
Ngày 5-1-2018, tại TP. Cao Lãnh đã diễn ra Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng và hiệu quả rèn luyện nghiệp vụ sư phạm trong đào tạo giáo viên đáp ứng chuẩn nghề nghiệp” do Trường Đại học Đồng Tháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức.
Gần 200 đại biểu đại diện các trường đại học, cao đẳng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, các nhà khoa học, nhà giáo trong và ngoài tỉnh cùng hơn 100 sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp tham dự.
Đoàn Bến Tre có 4 đại biểu thuộc Trường Cao đẳng Bến Tre tham dự và trình bày báo cáo tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lương Thanh Tân - Phó hiệu trưởng Trường, Phó trưởng Ban tổ chức hội thảo cho rằng, hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm (RLNVSP) là một trong những hoạt động quan trọng trong quá trình đào tạo, nhằm hình thành những kỹ năng nghề nghiệp cho hoạt động giảng dạy; là một phương diện thể hiện quan trọng của người thầy. Hoạt động này được diễn ra trong suốt quá trình học tập và mang tính chất thường xuyên, có vai trò quan trọng trong việc hình thành phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cho sinh viên; là “đòn bẩy” góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp. Vì vậy, hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục từ khắp nơi trong và ngoài nước. Các diễn giả đã gửi về 48 bài nghiên cứu, Ban tổ chức hội thảo đã tuyển chọn, phản biện và phát hành Kỷ yếu hội thảo với 37 bài nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, nhà giáo từ Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước và trường THPT khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo TS. Lương Thanh Tân, những nội dung đăng trong Kỷ yếu cùng những tham luận, thảo luận trong hội thảo rất bổ ích và thiết thực, đã gợi mở, định hướng cho giảng viên, giáo viên cũng như các nhà quản lý giáo dục có thể vận dụng sáng tạo và hiệu quả trong công tác RLNVSP và đào tạo giáo viên hiện nay.
Tại hội thảo, 9 bài nghiên cứu được chọn trình bày. Bến Tre có bài nghiên cứu “Kinh nghiệm khai thác Chương trình Giáo viên xuất sắc ngắn hạn Hoa Kỳ trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh Mầm non ở Bến Tre” của tác giả Phạm Văn Luân đã phản ánh tương đối toàn diện các vấn đề về hoạt động RLNVSP, chỉ ra các bất cập, hạn chế,… Từ đó, ông nêu ra những gợi mở, đề xuất các giải pháp mới, mô hình sáng tạo có tính khả thi, kết nối cao hướng đến yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả RLNVSP trong đào tạo giáo viên đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và thích ứng với bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Khôi Nguyên