|
Diễn tập tình huống lực lượng chống khủng bố triển khai đội hình áp sát khu vực giam giữ con tin. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN) |
Ngày 22-9, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức Hội thảo quốc tế “Những biểu hiện mới của chủ nghĩa khủng bố và phản ứng của cộng đồng quốc tế.”
Hội thảo
có sự tham gia của Đại sứ các nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa dân chủ và
nhân dân Algeria, Cộng hòa Ai Cập, một số viện nghiên cứu trực thuộc VASS, Bộ
Quốc phòng Việt Nam.
Hội thảo
là diễn đàn để các nhà ngoại giao, các nhà khoa học và nhà làm chính sách thảo
luận, chia sẻ quan điểm và rút kinh nghiệm của các nước trong cuộc chiến chống
khủng bố.
Đây là hoạt
động khoa học quan trọng để các nhà khoa học trong nước và các cơ quan đại diện
ngoại giao của các nước châu Phi và Trung Đông tại Hà Nội, nhằm tăng cường trao
đổi thông tin và học thuật về các mối quan tâm chung.
Các học
giả đã tập trung đưa ra những nghiên cứu, những biểu hiện mới về chủ nghĩa khủng
bố cũng như cuộc chiến chống khủng bố ở Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi.
Bên cạnh
đó, những vấn đề đặt ra từ cuộc chiến chống khủng bố, hiểm họa từ làn sóng di
cư tới châu Âu cũng được đưa ra bàn thảo.
Trong những
năm gần đây, chủ nghĩa khủng bố đã lan rộng và trở thành mối hiểm họa đối với
môi trường hòa bình và an ninh của nhiều khu vực trên thế giới.
Với những
phương thức hoạt động và cách thức tổ chức mới, những kẻ khủng bố không chỉ thiết
lập được một mạng lưới khá sâu rộng mà còn hình thành những nhóm nhỏ hoạt động
độc lập, phân tán ở nhiều nơi khiến cho không một quốc gia, khu vực nào có thể
đứng ngoài tầm với của những kẻ khủng bố.
Tiến sỹ
Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho rằng
các hoạt động khủng bố, âm mưu khủng bố diễn ra ở nhiều nơi như Bắc Mỹ, châu
Âu, châu Phi, Trung Đông, châu Phi, Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, mà gần đây
nhất là vụ đánh bom tại thủ đô Bangkok ở Thái Lan.
Những kẻ
khủng bố đã trở nên cực đoan hơn và nguy hiểm hơn như trong trường hợp của lực
lượng nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Chính phủ
của các nước Trung Đông và châu Phi đã khẳng định cam kết mạnh tay đối phó với
chủ nghĩa khủng bố.
Tuy
nhiên, cuộc chiến chống khủng bố mới sẽ là một cuộc chiến dài hơi, cần nhiều
nguồn lực và sự phối hợp chặt chẽ ở các cấp độ khác nhau, từ cộng đồng cho đến
quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Những biến
đổi của chủ nghĩa khủng bố đã khiến cho cuộc chiến chống khủng bố của cộng đồng
quốc tế trở nên khó khăn hơn.
Điều này
đòi hỏi các quốc gia phải hiểu rõ lực lượng khủng bố, phối hợp chặt chẽ và chia
sẻ kinh nghiệm trong nỗ lực chống khủng bố.
Với Việt
Nam, ngoài việc giải quyết các vấn đề nội tại, các học giả cũng nhấn mạnh khía
cạnh tích cực mở rộng hợp tác về phòng, chống khủng bố, chia sẻ kinh nghiệm và
trao đổi thông tin về phòng, chống khủng bố với các nước láng giềng, đào tạo
cán bộ, trang bị vũ khí thiết bị chống khủng bố hiện đại./.