Hội thảo về Luật Dạy nghề và Quyết định 1956 đồng bằng sông Cửu Long: Trường hợp ở tỉnh An Giang và Bến Tre

10/04/2014 - 17:31

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án nghiên cứu “Đánh giá năng lực quản lý, triển khai, thực hiện Luật Dạy nghề theo Quyết định 1956 tỉnh Bến Tre”, chiều nay 11-4-2014, Nhóm Sáng tạo trẻ Trường Cao đẳng Bến Tre tổ chức Hội thảo Đánh giá năng lực quản lý, triển khai, thực hiện Luật Dạy nghề và Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Bến Tre.

Mục tiêu chung của Dự án là nghiên cứu đánh giá năng lực thực hiện, triển khai và quản lý Quyết định 1956 nhằm tư vấn phản biện hoàn thiện Luật sửa đổi bổ sung Luật Dạy nghề. Theo đó, Dự án thực hiện các mục tiêu cụ thể gồm: Đánh giá năng lực của các ban ngành địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) trong việc thực hiện triển khai và quản lý các hoạt động của Quyết định 1956; Đánh giá về năng lực của các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương trong quá trình thực hiện Luật Dạy nghề và Quyết định 1956 (năng lực về  tài chính, chuyên môn, cơ sở vật chất, khả năng đào tạo ứng dụng…); Đánh giá về người học (điều kiện học vấn, khả năng tham gia, khả năng ứng dụng sau khi học, ….), và đánh giá về chất lượng đào tạo nghề thông qua các doanh nghiệp sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh.

Nội dung hội thảo xoay quanh các vấn đề: chức năng, vai trò, nhận định về năng lực, thuận lợi và khó khăn của các cơ quan, ban ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Luật Dạy nghề và Quyết định 1956; khái quát bức tranh tổng quát về tình hình đào tạo nghề lao động nông thôn hiện nay và những kiến nghị sửa đổi Luật Dạy nghề; những kinh nghiệm liên kết với doanh nghiệp trong sử dụng lao động nông thôn và những kiến nghị về phương thức liên kết hiệu quả.

14 bài nghiên cứu gửi về Hội thảo từ Nam Định, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long… gửi về hội thảo là những tâm huyết, gợi mở cho diễn đàn tham vấn pháp luật, một mô hình mới ở Bến Tre. Được biết, Dự án nghiên cứu về “Đánh giá năng lực quản lý, triển khai, thực hiện Luật Dạy nghề từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sử dụng lao động, cơ sở đào tạo nghề và người được đào tạo nghề ở đồng bằng sông Cửu Long: Trường hợp ở tỉnh An Giang và Bến Tre thuộc chương trình PARAFF, Văn phòng Quốc hội cơ quan chủ quản là cơ sở rất quan trọng giúp tư vấn phản biện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Dạy nghề 2006.

Trung Nhựt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN