Hồi ức cắm cờ trên Dinh Tỉnh trưởng

30/04/2015 - 16:41
Thầy Pha hồi tưởng lại khung cảnh của Bảo tàng ngày 1-5-1975.

Thầy Nguyễn Văn Pha - Trưởng phòng Tổ chức Trường Trung học Y tế Bến Tre kể lại: “Lúc xông vào Dinh Tỉnh trưởng, tụi tôi bất kể là trong đó có mìn, súng hay có thể bị lính bắt nữa…”. Câu chuyện ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng được thầy Pha kể lại bằng giọng hùng hồn và sinh động.

Thầy Pha nay đã 55 tuổi, quê ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Lúc binh lửa, thầy cùng gia đình tản cư lên ở gần cầu Dầu (nay thuộc Phường 7, TP. Bến Tre). “Thuở 15 tuổi mê học để tránh bị bắt đi lính. Cứ mỗi tối, lính đi lùng sục kiểm tra từng nhà là bà nội bắt tôi ngồi dậy học bài. Họ đi kiếm thanh niên rồi bắt đi đồn điền. Giờ nhớ lại vẫn còn thấy sợ”. Đã 40 năm trôi qua, nhưng thầy Pha vẫn nhớ như in những sự kiện diễn ra vào ngày hôm ấy. “Chiều 30-4, trên loa phóng thanh phát rân trời giọng nói của Đại tá Phạm Chí Kim - Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kiến Hòa thông báo quân ngụy tử thủ. Lúc đó, ông Kim vẫn phát động giờ giới nghiêm nên bà nội không cho tôi ra đường. Đến 6 giờ sáng ngày 1-5-1975, tôi cùng anh bạn thân lấy xe đạp chạy ra đường theo đoàn người đông đúc. Bà con vừa chạy, vừa hô vang: “Toàn thắng rồi, bà con ơi!”. Người bạn đã đi cùng thầy Pha lúc đó, nay là thầy Trần Huỳnh Minh Lý, đang công tác tại Trường Tiểu học An Định, huyện Mỏ Cày Nam.

Hai người chạy xe đạp ngang Dinh Tỉnh trưởng (phía đường Hùng Vương), thấy không khí vắng vẻ, cửa mở hờ, phía trước có chiếc xe thiết giáp và mấy bao cát chất thành ụ. Tò mò, hai người cùng dừng lại quan sát. Thầy kể tiếp: “Lúc đó, anh Lý thì đứng bên xe, tôi lại gần cửa và ngó vào. Chợt có một anh thanh niên dáng thư sinh, tay cầm cờ hai màu xanh, đỏ chạy từ phía chợ Bến Tre tới. Anh đó bảo: “Mấy em đi vào cùng anh!”. Thế là hai đứa chạy vào theo anh. Chạy tới giữa sân gặp một người lính đang đứng. Cách đó chừng 10m có một người lính nữa, nhưng thấy họ không nói gì, chỉ nhìn tụi tôi chạy xông vào thôi”. Thầy Pha kể tới đây, giọng sang sảng và miệng thì cười tươi. Đã nhiều lúc các thầy ngồi kể với nhau nghe lại câu chuyện cũ, rồi lắc đầu. “Lúc đó nếu có mìn gài, hay mấy người lính gác bắn trả thì chắc tụi tôi chết queo rồi!” - thầy Lý cười.

Có mặt tại Bảo tàng tỉnh Bến Tre, thầy Pha diễn tả lại cảnh xông vào Dinh Tỉnh trưởng lúc ấy: “Sau khi chạy qua 2 người lính ngụy, tụi tôi chạy vào cửa chính của dinh. Trong phòng trống trơn, không thấy người lính nào khác. Anh cầm cờ chạy tìm cầu thang để lên nóc. Chạy lên cầu thang bên phải, cái tủ hồ sơ bằng sắt to đùng nằm ngáng giữa nên tụi tôi không qua được. Thấy vậy, tụi tôi chạy sang cầu thang bên trái và tìm mọi cách lách mình qua những tủ, bàn, ghế mà những người lính xô ra để chắn cầu thang lại. Khi tìm lối đi ra được lan can ngoài, lúc đó nơi này chất đầy bao cát, cao khoảng hơn 1m, còn có súng nữa. Tôi hỏi anh thanh niên: “Bây giờ mình làm gì nữa anh?”. Anh bảo: “Thì treo cờ của mình lên chứ làm gì”. Sau đó, anh đưa tôi cầm cây cờ hai màu và anh leo lên hạ lá cờ vàng kia xuống, đưa cho tôi. Tôi liền quăng ngay xuống dưới đất. 2 người lính vẫn đứng phía dưới sân nhìn lên. Chuyền lá cờ cho anh kia treo lên, tôi lại vọc cây súng đang dựng sẵn trên lô cốt. 2 người lính thấy tôi lia qua, lia lại liền sợ khiếp. Họ vừa chạy vừa la: Đừng bắn, đừng bắn! Anh Lý nhìn tôi phì cười”.

Thầy Pha trầm lại, nhìn cảnh vật xung quanh đã thay đổi khá nhiều. Nội thất trong Bảo tàng cũng dựng lại cho phù hợp. Trong trí nhớ của thầy Pha, vừa vào cửa chính là một phòng to, có 2 cầu thang cuốn hai bên. Đó chính là nơi mà thầy Pha, thầy Lý cùng anh thanh niên chạy lên tìm lối ra chỗ cắm cờ… Ngẫm lại đã 40 năm trôi qua. Đôi mắt thầy Pha nhìn ra cửa phía dòng sông đang đều đều trôi nhẹ. Thầy kể tiếp: “Sau khi cắm cờ xong, một lúc sau, tôi thấy mấy người lính ngụy ôm súng chạy từ hướng chợ Bến Tre về phía Dinh Tỉnh trưởng. Đến gần cổng lớn, họ la í ới: “Cờ kìa! Việt cộng vô rồi! Chạy mau!” rồi họ quay ngược lại chạy tán loạn. Mấy người lính thi nhau cởi bỏ quần áo trên người, bỏ súng lại thành đống lớn rồi chạy thục mạng. Lúc đó, tụi tôi cũng không hiểu vì sao. Sau đó, tôi chia tay anh thanh niên mà không kịp hỏi anh tên gì. Tôi cùng thầy Lý lấy xe đạp chạy theo hướng người đi đông đúc”…

Như thói quen, cứ đến ngày 30-4 hàng năm, thầy Pha đều đi ngang cổng Bảo tàng, dừng lại và hồi tưởng. “Bên trong khuôn viên Bảo tàng có quán giải khát. Tôi và thầy Lý thường gặp nhau vào ngày kỷ niệm này để ôn lại câu chuyện của chúng tôi thời mười lăm, mười sáu tuổi. Không biết anh thanh niên kia là ai và bây giờ còn sống hay đã mất. Ước gì được gặp lại, chắc sẽ vui lắm!” - thầy Pha tâm tư. Câu chuyện diễn ra trong khoảng 15 phút nhưng lại chứa đựng bao cảm xúc. Cả hai thầy đều không hiểu tại sao lúc đó mình lại “liều” đến như vậy. “Nếu xông vào muộn một chút, không thấy cờ Mặt trận, mấy người lính kia về trước thì chắc là tụi tôi bị bắn mất rồi!” - thầy Pha phì cười và tỏ vẻ đắc chí.

Đến 8 giờ ngày 1-5-1975, thị xã Bến Tre hoàn toàn giải phóng. Quân ta đã tiếp quản xong các mục tiêu, chiếm giữ các trụ sở của ngụy. Hòa trong niềm vui chung ngày toàn thắng, thầy Nguyễn Văn Pha và thầy Trần Huỳnh Minh Lý đã chạy và tung hô theo dòng người chen nhau vui sướng: “Việt Nam muôn năm! Bác Hồ muôn năm! Độc lập muôn năm!”. Đường phố chính trong nội thị đã được người dân treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trước mỗi nhà. Người dân thị xã đứng hai bên đường, tay cầm cờ, hoa chào đón quân giải phóng vào tiếp quản.

Bài, ảnh: Lê Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN