
Bà Đỗ Thị Chua chi khoảng 50 triệu đồng để đầu tư 1 bể 500m2, sâu 4m trữ nước ngọt tưới cho gốc mai vàng.
Xã Hưng Khánh Trung B nằm ven sông Cổ Chiên. Xã có diện tích tự nhiên 1.068,3ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 847,7ha. Do gần phía hạ nguồn, Hưng Khánh Trung B dễ bị xâm nhập mặn. Năm 2020, Hưng Khánh Trung B bị xâm nhập mặn khoảng 6%o. Từ đó, năm 2021, hệ thống ngăn mặn trữ ngọt ở Hưng Khánh Trung B được đầu tư nhiều hơn; sửa chữa, trang bị các nắp cống Ba Trọng, Hai Chiến, Ba Gần, Hai Xa… để phục vụ ngăn mặn trữ ngọt.
Năm 2020, xã đã hoàn thành nâng cấp bờ bao từ cầu Cái Hàn đến cầu cáp treo ở ấp Phú Hòa, với kinh phí 700 triệu đồng; sửa chữa đê bao sạt lở từ cầu Cái Hàn đến cầu Vàm Xã 800 triệu đồng; sửa chữa cống đình Phú Long, ở ấp Phú Hưng 190 triệu đồng. Tháng 1-2021, xã hoàn thành đưa vào sử dụng cống đập Thanh Trung ngăn mặn, trữ ngọt ở đoạn kênh dài 3,5km, có sức chứa trên 150.000m3 phục vụ khoảng 200ha đất nông nghiệp của 3 ấp: Thanh Trung, Tân Trung và Trung Hiệp.
Cùng với Nhà nước ngăn mặn trữ ngọt, ông Lê Quốc Nghị, ở ấp Trung Hiệp vừa bỏ ra 27 triệu đồng đầu tư 1 bể dài 30m, rộng 13m, sâu 4m chứa khoảng 1.300m3 nước ngọt để tưới cây giống. Mỗi năm, ông Nghị sản xuất khoảng 100 ngàn gốc mít ghép bo xuất bán các tỉnh. Hiện tại, mít giống đang sốt giá. 1 cây mít ghép 3 - 4 lá, giá gần 40 ngàn đồng/cây. Toàn xã có khoảng 100 hộ ghép mít bán để tăng thu nhập cho gia đình.
Hưng Khánh Trung B có 1.664 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 1.300 hộ mỗi năm sản xuất tổng cộng khoảng 15 triệu cây mai vàng. Bà Đỗ Thị Chua, ở ấp Trung Hiệp vừa bỏ ra khoảng 50 triệu đồng xây dựng 1 bể 500m2, sâu 4m, đang trữ nước ngọt để sản xuất gốc mai vàng.
Bên cạnh sản xuất cây giống, hoa kiểng, nhà vườn Hưng Khánh Trung B luôn giữ vững vườn cây ăn trái, nhất là sầu riêng. Hộ ông Võ Văn Hùng, ở ấp Trung Hiệp, với 1ha sầu riêng, 15 năm tuổi phấn khởi nói: “Vườn sầu riêng của tôi nằm trong 13,6ha sầu riêng VietGAP ở ấp Trung Hiệp. Riêng của tôi có khoảng 180 cây, mỗi năm thu hoạch khoảng 25 tấn trái. Nhờ 3 vòng ngăn mặn và trữ nước ngọt nên sầu riêng của tôi rất an toàn mùa hạn mặn. Tôi có trồng xen mít trong vườn sầu riêng được 5 năm rất hiệu quả. Hiện tại, mít trái khoảng 35 ngàn đồng/kg”. Vườn sầu riêng 1ha của ông Hùng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Bé - Tổ trưởng sầu riêng VietGAP 13,6ha, ở ấp Trung Hiệp cho hay: Sầu riêng rất kỵ nước mặn, do nước mặn làm hư bộ rễ. 26 hộ trong Tổ sầu riêng VietGAP ở xã nói riêng và hàng trăm hộ trồng ăn trái nói chung ở huyện Chợ Lách rất mong được Nhà nước sớm đầu tư ngăn mặn trên diện rộng cả tỉnh. Được như thế thì nông dân trồng cây ăn trái mới thật sự an tâm sản xuất, xây dựng thương hiệu trái cây Chợ Lách.
Bí thư Đảng ủy xã Hưng Khánh Trung B Phạm Văn Hòn nhấn mạnh: “Rút kinh nghiệm trận xâm nhập mặn năm 2020, trong năm 2021, ngoài những cống đã có, xã đang phát huy hiệu quả cống đập Thanh Trung, đập Hòa Khánh vừa đưa vào sử dụng. Phân công cán bộ chuyên môn theo dõi, thông báo kịp thời độ mặn đến người dân. Vận động người dân chủ động trữ nước ngọt dưới nhiều hình thức để sinh hoạt và sản xuất”.
Bài, ảnh: Hoàng Vũ