Du khách trải nghiệm du lịch sông nước miệt vườn. Ảnh: C.Trúc
Doanh thu du lịch tăng
Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 22, ngày 9-10-2017, để cụ thể hóa trong việc thực hiện. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ kết quả triển khai, trong năm qua, ngành du lịch đang khẳng định rõ nét vị trí, vai trò quan trọng và là mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, kết quả sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Trung ương cho thấy, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh từng bước nâng lên. Các loại hình du lịch sinh thái gắn với rừng ngập mặn, tham quan trải nghiệm sông nước, vườn cây ăn trái, làng nghề, các di tích văn hóa, lịch sử đã tạo ấn tượng tốt với du khách khi đến tỉnh. Đặc biệt, du lịch homestay phát triển khá mạnh ở các xã ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành, các xã phía Nam TP. Bến Tre, huyện Mỏ Cày Bắc. Lượng khách và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng khá. Năm 2018, khách du lịch đến tỉnh đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng trên 22% so với cùng kỳ (đạt 107% so với kế hoạch); trong đó khách quốc tế đạt trên 681 ngàn lượt, tăng 24% so với cùng kỳ (đạt 106% so với kế hoạch). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ (đạt 101% so với kế hoạch).
Kết quả phát triển DN, cơ sở kinh doanh du lịch khá tốt. Trong năm 2018, đã phát triển thêm 17 cơ sở lưu trú du lịch, với 140 phòng (trong đó có 10 homestay), nâng tổng số cơ sở lưu trú du lịch toàn tỉnh là 118 cơ sở, với 2.200 phòng (sức chứa khoảng 5 ngàn khách); 18 cơ sở ăn uống, với trên 3.800 chỗ ngồi, nâng tổng số cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch toàn tỉnh lên 111, với gần 32 ngàn chỗ và 9 điểm du lịch, nâng tổng số điểm du lịch toàn tỉnh lên 82 điểm.
Phát triển du lịch nông nghiệp sạch, hữu cơ
Yếu tố tạo nên sự khác biệt độc đáo và đẳng cấp cho du lịch tỉnh nhà là tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ làm nền tảng cho phát triển du lịch xanh.
Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, Thạnh Phú khát vọng xây dựng địa phương trở thành trung tâm nông nghiệp sạch của tỉnh, của khu vực và là một “nhà bếp” lớn của Việt Nam. Với hướng đi này, huyện tập trung phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của huyện là xoài, dừa, cây lúa, con bò và gia cầm. Ngoài ra, huyện tập trung cho các sản phẩm nổi tiếng khác như con cua, con nghêu… Những sản phẩm đặc sản này sẽ được bán tận gốc cho du khách làm quà cầm tay mang về. Huyện đang củng cố, nâng chất hoạt động các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn như HTX lúa - tôm Thạnh Phú, HTX nông nghiệp Thạnh Phong… gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp sạch cho du khách trải nghiệm vườn xoài, giồng rau màu, cánh đồng lúa - tôm, ao tôm công nghệ hai giai đoạn…
Các địa phương khác trong tỉnh đã đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, nhất là mô hình nhà nghỉ nông thôn; mô hình Làng văn hóa du lịch huyện Chợ Lách, du lịch nông nghiệp, du lịch homestay. Riêng Đề án Làng văn hóa du lịch huyện Chợ Lách gồm các ấp: Vĩnh Nam (Vĩnh Thành), Đông Kinh (Vĩnh Hòa), Lân Đông (Phú Sơn) và An Hòa (Long Thới) nhằm hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực và quốc gia, giới thiệu rõ nét không gian văn hóa Chợ Lách đến với du khách trong và ngoài nước.
Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, trong KN du lịch, tỉnh khuyến khích phát triển mạnh du lịch nông nghiệp, lấy địa bàn và hoạt động sản xuất nông nghiệp để làm bối cảnh. Du khách đến đây sẽ hiểu được hoạt động sản xuất nông nghiệp, tham gia vào hoạt động đó, thưởng thức sản phẩm từ hoạt động đó, mua sản phẩm đó về, ở trong nhà người dân. “Bên cạnh việc khai thác, còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế, giúp nông nghiệp phát triển bền vững. Để làm được điều này, đỏi hỏi người KN phải tìm kiếm ý tưởng mới, có sự đầu tư về nhân lực, tổ chức liên kết với nông dân. Đưa du khách đến địa bàn nông thôn, đến với nông dân để được chứng kiến, tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp và mua sắm sản phẩm đó để tạo sinh kế, thu nhập cho không chỉ người làm du lịch mà cho người nông dân, góp phần cải thiện đời sống cộng đồng. Về phía chính quyền tỉnh, các địa phương, phải tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ” - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh về cách làm.
“Định hướng về phát triển du lịch, tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch và càng có thế mạnh về du lịch nông nghiệp. Tăng trưởng của du lịch - ngành “kinh tế không khói” cũng đang có tín hiệu tốt. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là ngay từ đầu phải xây dựng kế hoạch bài bản, có tính chiến lược. Nếu không sẽ trùng lắp, thiếu tính độc đáo và hệ quả là “sẽ giẫm lên vết xe đổ”.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn xuất hiện khá nhiều điểm du lịch còn chưa rõ mô hình kinh doanh du lịch của chủ đầu tư. Vì thế, trước khi đầu tư cần xác định rõ đối tượng, mô hình để đầu tư đúng hướng. Muốn vậy, người đầu tư nên trả lời cho được hàng loạt các câu hỏi của du khách muốn tìm hiểu khi về tỉnh. Đó là Bến Tre có gì nổi bật so với những địa phương khác; sản phẩm đặc trưng và độc đáo của tỉnh; ngoài dừa thì còn có gì hấp dẫn du khách?
KN với du lịch cũng như KN ở các lĩnh vực khác phải có ý tưởng mới, khác biệt và độc đáo để thu hút, hấp dẫn khách đến và quay trở lại. Đồng thời phải quan tâm chăm chút cho đội ngũ, chất lượng dịch vụ cao”.
(Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi)
|
Cẩm Trúc