Hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững

11/11/2014 - 07:54

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ điều hành hội nghị.ị

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. ĐBSCL đã khẳng định thế mạnh, cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản trong nước và xuất khẩu sang thị trường thế giới. 

Tuy vậy, trong sản xuất còn xảy ra tình trạng lạm dụng, tận dụng tài nguyên cho tăng trưởng. Tỷ lệ nguyên liệu, năng lượng sử dụng quá cao cho 1 đơn vị GDP. Công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm có tính phổ biến. Mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nếu tiếp tục duy trì thì nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt; thế hệ sau phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Chúng ta cần có giải pháp, chiến lược hành động cho vùng ĐBSCL trên cơ sở làm rõ các căn cứ, kinh nghiệm của thế giới và đề xuất ý tưởng phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Đây là ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị “Hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL diễn ra tại Sóc Trăng (MDEC-Sóc Trăng 2014).

* PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang chuyển sang một nền “kinh tế xanh” hướng đến tăng trưởng, phát triển bền vững thay thế cho nền kinh tế cũ “kinh tế nâu”. Vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung đang đứng trước bối cảnh suy thoái về tài nguyên và môi trường, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng nên việc hướng đến nền kinh tế xanh là cần thiết.

Có 2 cách để hướng đến tiêu dùng xanh và định hướng sản xuất xanh cho nền kinh tế là đầu tư cho đổi mới công nghệ, tái sử dụng và tái chế thải. Nếu chúng ta tiếp tục dựa vào cách thức phát triển cũ là khai thác tài nguyên thô thì sản phẩm không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và một số phương tiện giao thông bắt đầu xuất hiện các sản phẩm xanh thân thiện môi trường nhưng chưa nhiều. Để đạt được mong muốn trong tương lai hướng đến một nền kinh tế xanh cần nhiều nỗ lực, phát huy tốt nội lực, không rập khuôn theo bất cứ nước nào. Cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với tiêu dùng xanh và sản phẩm thân thiện với môi trường. Đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập thị trường cho tiêu dùng xanh, lấy thị trường làm động lực thúc đẩy sản phẩm xanh để lôi kéo và thu hút sản xuất xanh đối với doanh nghiệp. Tiêu dùng xanh và sản xuất xanh nên bắt đầu từ nông nghiệp và du lịch sinh thái để khai thác ưu thế nhiệt đới ẩm gió mùa, năng suất sinh khối cao, sản phẩm nông nghiệp đa dạng và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nguồn vốn đầu tư để đổi mới công nghệ và phát triển những ngành nghề, lĩnh vực mới hướng đến tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng xanh phải xuất phát từ thực lực hiện có của địa phương. Tăng cường hơn nữa và mở rộng hợp tác quốc tế trong sản xuất và tiêu dùng xanh, nhất là những hoạt động có tính chất giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

* Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Tăng trưởng xanh là mô hình không có lựa chọn nào khác, song cũng đầy thách thức. Nếu tiếp tục duy trì “kinh tế nâu” thì thiếu tỉnh táo và không bền vững. Quan niệm “tăng trưởng trước, dọn sạch sau” rất tốn kém và có thể quá muộn để sửa sai. Bây giờ, vấn đề cần hành động ngay: Môi trường là một loại vốn, cần được đóng góp cho tăng trưởng, phải được tính đến, được đầu tư và sử dụng hiệu quả. “Kinh tế xanh” giúp người dân có điều kiện sống tốt hơn.

Chính phủ, với tư cách là người tiêu dùng lớn nhất, phải đi đầu trong mua sắm hàng hóa và dịch vụ “xanh”. Sử dụng cơ chế thị trường khuyến khích các tác nhân kinh tế “nội hóa” chi phí môi trường, xã hội và chuyển giao công nghệ xanh. Khuyến khích thuế cần áp dụng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm xanh. Cắt giảm những trợ cấp sản xuất làm tiêu thụ quá mức năng lượng. Cải cách thể chế kinh tế theo hướng thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Quản lý quá trình đô thị hóa. Bảo vệ môi trường, ứng phó thích hợp với biến đổi khí hậu. Hoàn thiện cơ bản hệ thống an sinh xã hội…

 * Thạc sĩ Huỳnh Thế Du - Gảng viên chính tại Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Nhắc đến tăng trưởng xanh gợi ra hình ảnh những người trong làng thả gia súc của mình để ăn cỏ ở cánh đồng chung càng nhiều càng tốt. Kết quả là cỏ không mọc kịp và cả làng cùng gánh chịu hậu quả. Lúc này, cộng đồng mới nghĩ đến việc phải có thiết chế vừa chính thức vừa không chính thức để đảm bảo cho việc sử dụng cánh đồng cỏ sao cho có lợi cho cả cộng đồng trong dài hạn. Tăng trưởng xanh được xem là một công cụ để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Thực tế, xử lý mâu thuẫn lợi ích riêng của cá nhân và lợi ích chung của tập thể là vấn đề cốt lõi để có thể tạo ra phát triển bền vững. Vấn đề đang được quan tâm là làm sao để các cá nhân giảm thiểu các hành động đi ngược lại lợi ích tập thể.

Ba trụ cột của xã hội gồm: kinh tế thị trường, nhà nước và xã hội dân sự. Các doanh nghiệp là nòng cốt của kinh tế thị trường, tạo phần lớn của cải cho xã hội và luôn hướng đến mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận trước mắt, không có động cơ vì cái chung. Nhà nước phải đi tiên phong trong tăng trưởng xanh. Chỉ có chính sách của Nhà nước và áp lực từ công chúng hay từ khu vực dân sự mới có thể giảm thiểu những hành vi gây tổn hại đến cái chung. Bên cạnh đó, các quy tắc ứng xử không thành văn nhưng được cộng đồng thừa nhận góp phần quan trọng sử dụng các nguồn tài nguyên, nhất là các nguồn tài nguyên không thể tái tạo một cách tiết kiệm và hiệu quả.

* PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL: Đặt vấn đề liên kết vùng phát triển thương hiệu lúa - gạo ít khí thải nhà kính qua tham gia “4 nhà” góp phần tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Thời gian qua, liên kết “4 nhà” được triển khai một số tỉnh ở vùng ĐBSCL đã đem lại kết quả. Mô hình “1 phải, 6 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa, giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tưới, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch) đã tăng năng suất lên 11%, hiệu quả kinh tế cao 40%, tiết kiệm nước 48%, giảm khí thải từ 25-40%/vụ so với canh tác truyền thống. Vụ gieo sạ đạt hiệu quả kinh tế cao, được cộng đồng nông dân trồng lúa chấp nhận. Đây cũng là cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị và thương hiệu lúa gạo phát triển xanh và ít khí thải cho vùng ĐBSCL. Nông dân được nâng cao năng lực thông qua kỹ thuật canh tác lúa “1 phải, 6 giảm”. Dòng sản phẩm lúa gạo ít khí thải nhà kính đã kết nối với thị trường tiêu thụ. Việc giảm khí thải nhà kính, môi trường nước được cải thiện và tiết kiệm hoàn toàn phù hợp với bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu.

Hướng tới, các tỉnh vùng ĐBSCL cần quan tâm phân tích nhu cầu thị trường; đề án thương hiệu quốc gia, vùng và địa phương; xây dựng thể chế, tổ chức và chính sách đế tiếp cận liên kết vùng về thị trường và thương hiệu lúa sạch, tiếp cận liên kết vùng và tham gia “4 nhà” tạo thương hiệu lúa - gạo phát triển xanh ĐBSCL, hướng tới nền nông nghiệp xanh - ít carbon và sản phẩm gạo sinh học.

* PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Hội nhập tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Trên thế giới, rất ít đối thủ cạnh tranh nổi lúa gạo của Việt Nam. GDP Việt Nam đặt vào nông nghiệp cũng chính là đặt vào vùng ĐBSCL. Thế nhưng vùng ĐBSCL đang đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu. Sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn kỹ thuật. Nông nghiệp tiêu thụ nhiều tài nguyên và năng lượng nhưng giá thành sản phẩm chưa cao. Ở Nhật Bản, giá 1kg gạo cao gấp 10 lần so với Việt Nam. Cho nên, việc thay đổi tư duy trong nông nghiệp là cần thiết. Công nghiệp, trong đó có công nghiệp chế biến nông sản, cũng cần sát cánh cùng nông nghiệp để phát triển. Hội nghị hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững, với sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, các bộ, ngành Trung ương cùng đại biểu các tỉnh, thành phố đã mở ra tầm nhìn, quyết định quan trọng cho vùng ĐBSCL. Các ý kiến tại hội nghị là cơ sở quan trọng để Chính phủ có cơ chế chính sách hợp lý đưa nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển đẳng cấp mới, hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững.


Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN